Tai Nạn Lao Động Khi Làm Việc Tại Nhà, Liệu Bảo Hiểm Có Chi Trả Không?

(Nguyễn Thị Thanh Ngân & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners)

Dù người lao động (“NLĐ”) làm công việc giản đơn hay phức tạp, sử dụng công nghệ hay làm việc thủ công thì luôn có rủi ro đe dọa đến sức khỏe. Nhằm chia sẻ gánh nặng và bù đắp tổn thất cho NLĐ, luật về an toàn lao động là chính sách an sinh xã hội hữu ích nhất cho NLĐ, chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp, hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động (“TNLĐ”) và bệnh nghề nghiệp.

Trên thực tế, hầu như chỉ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, may mặc, sản xuất, lắp ráp hoặc doanh nghiệp có NLĐ làm việc trong môi trường có nguy cơ TNLĐ cao mới dành nhiều quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng, hầu hết NLĐ phải làm việc tại nhà. Sự thay đổi địa điểm làm việc như vậy ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ khi cả doanh nghiệp và NLĐ đều chưa chuẩn bị và đảm bảo các điều kiện lao động một cách đầy đủ nhất. Vì vậy, NLĐ làm việc tại nhà phải đối mặt với nhiều nguy cơ về an toàn sức khỏe, TNLĐ tương tự như làm việc trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi quá nhanh sang điều kiện làm việc tại nhà trong khi quy định của pháp luật lao động chưa theo kịp xu hướng này đã làm cho cả doanh nghiệp và NLĐ không biết rõ liệu TNLĐ xảy ra khi NLĐ làm việc tại nhà có được bảo hiểm TNLĐ như làm việc tại nơi làm việc không?

Theo quy định của pháp luật lao động, TNLĐ được định nghĩa là tai nạn gây ra tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động[1].

Về các trường hợp được xem là TNLĐ [2]: NLĐ bị tai nạn tại một trong những địa điểm sau thì được xem là TNLĐ: (i) tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy lao động của người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; (ii) ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ; và (iii) trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Thông thường, nơi làm việc của NLĐ là tại trụ sở chính/chi nhánh/văn phòng đại diện hoặc nhà máy của doanh nghiệp được quy định trong pháp luật lao động và doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ tại nơi làm việc. Tuy nhiên, quy định trên không đề cập chi tiết đến địa điểm làm việc tại nhà của NLĐ. Từ đó có thể thấy rằng quy định của pháp luật chưa theo kịp xu hướng làm việc mới, từ đó đặt ra câu hỏi về việc xác định nhà của NLĐ có được xem là nơi làm việc không?

Theo Khoản 3, Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020, nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà NLĐ thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của NSDLĐ, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do NSDLĐ bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do NSDLĐ cung cấp và địa điểm khác do NSDLĐ quy định.

Như vậy, có thể hiểu rằng nếu NSDLĐ phân công hoặc có thỏa thuận với NLĐ về làm việc tại nhà thì nhà của NLĐ cũng được xem là nơi làm việc của NLĐ. Do đó, nếu NLĐ bị TNLĐ khi đang làm việc tại nhà thì cũng sẽ được xem là TNLĐ. Giải thích này được cho là phù hợp với tình hình “bình thường mới” hiện nay khi mà hầu hết NLĐ làm việc tại nhà. Những TNLĐ phổ biến có thể kể đến như: cháy/nổ máy vi tính do doanh nghiệp cung cấp; bị tai nạn ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể khi sử dụng máy móc/thiết bị cho doanh nghiệp cung cấp (ví dụ như máy may tại nhà) hoặc té ngã trong quá trình sinh hoạt cá nhân trong thời gian làm việc, v.v

Tuy nhiên, không phải TNLĐ nào xảy ra khi làm việc tại nhà cũng đều được hưởng chế độ TNLĐ mà phải đảm bảo các điều kiện sau[3]: (i)NLĐ bị tai nạn mà thỏa mãn các điều kiện được xem là TNLĐ nêu trên; và(ii)bị suy giảm khả năng lao động (“KNLĐ”) từ 5% trở lên do TNLĐ gây ra sẽ được hưởng chế độ TNLĐ.

Khi đã đáp ứng đủ các điều kiện như trên thì NLĐ làm việc tại nhà sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được Quỹ TNLĐ thuộc Qũy bảo hiểm xã hội (“BHXH”) chi trả tương tự như đang làm việc trong điều kiện làm việc bình thường: Căn cứ Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 20/9/2017, NLĐ sẽ được hưởng các chế độ khác nhau tùy thuộc vào mức độ suy giảm KNLĐ. Cụ thể:

  • Nếusuy giảm KNLĐ từ 05% đến 30% thì NLĐ được hưởng trợ cấp một lần[4];
  • Nếu suy giảm KNLĐ từ 31% trở lên thì NLĐ được hưởng trợ cấp hằng tháng[5].;
  • Căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, NLĐ bị TNLĐ mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật như: tay giả, máng nhựa tay, chân giả, máng nhựa chân; nẹp đùi, nẹp cẳng chân, áo chỉnh hình[6].
  • Nếu suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị tâm thần thì NLĐ được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở[7].
  • Đồng thời, nếu NLĐ chưa khôi phục hoàn toàn sức khỏe sau khi điều trị TNLĐ thì được hưởng thêm chế độ về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe[8].
  • Bên cạnh đó, nếu NLĐ bị suy giảm KNLĐ từ 31% trở lên khi trở lại làm việc có thể được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, được NSDLĐ sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của NLĐ.
  • Thân nhân của NLĐ được hưởng trợ cấp một lần khi NLĐ bị chết do TNLĐ, hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ bằng 36 lần mức lương cơ sở[9].

Bên cạnh những chế độ mà NLĐ được hưởng như trên, NSDLĐ còn phải thanh toán chi phí y tế, trả đủ tiền lương ngừng việc, thực hiện việc bồi thường, trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ và các trách nhiệm khác theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh Lao động 2015. Thời điểm được hưởng trợ cấp TNLĐ sẽđược tính từ tháng NLĐ điều trị xong và ra viện.

Một số lưu ý về giải quyết chế độ TNLĐ

  • Thứ nhất, NLĐ cần lưu ý các trường hợp xảy ra TNLĐ nhưng không được Quỹ bảo hiểm TNLĐ chi trả khi bị TNLĐ sau:
  • Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động ví dụ như mâu thuẫn cá nhân NLĐ với người khác, mâu thuẩn gia đình…;
  • Do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; và
  • Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nếu NLĐ thuộc các trường hợp như đã về hưu, NLĐ giao kết hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) với nhiều NSDLĐ hoặc NLĐ không tham gia đóng bảo hiểm TNLĐ thì không được hưởng/giải quyết chế độ TNLĐ[10].

  • Thứ hai, NSDLĐ và NLĐ cần thỏa thuận địa điểm làm việc việc tại nhà

NSDLĐ có quyền phân công hoặc thỏa thuận với NLĐ về địa điểm làm việc và được quy định trong HĐLĐ, khi có bất cứ thay đổi nào về địa điểm làm việc thì HĐLĐ phải được sửa đổi bằng phụ lục HĐLĐ. Tuy nhiên, hiện nay do giãn cách xã hội nên việc sửa đổi địa điểm làm việc tại nhà bằng phụ lục HĐLĐ là khó áp dụng. Tùy vào tình hình thực tế mà NSDLĐ có thể thông báo bằng lời nói, văn bản, e-mail hoặc hình thức khác chứng minh được sự đồng ý của NLĐ thì được xem là nơi làm việc hợp lệ.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ thì NLĐ cần lưu ý địa điểm làm việc tại nhà phải là nơi NLĐ đã đăng ký với NSDLĐ. Theo ý kiến của chuyên viên các cơ quan BHXH, nơi làm việc tại nhà thường được hiểu là nơi đăng ký thường trú/tạm trú của NLĐ đã cung cấp cho NSDLĐ khi giao kết HĐLĐ, và được quản lý trong sổ lao động của doanh nghiệp. Nếu NLĐ bị TNLĐ tại nơi khác hoặc trong quá trình di chuyển đến nơi khác sẽ khó có thể chứng minh tính hợp lý là TNLĐ. Nếu trường hợp đó xảy ra, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ là chủ thể quyết định NLĐ có được hưởng chế độ TNLĐ hay không.  

  • Thứ ba, khi xảy ra TNLĐ, NLĐ phải lập tức báo cho NSDLĐ biết để ghi nhận sự việc

Việc NLĐ thông báo cho NSDLĐ về TNLĐlà cần thiết và quan trọng. Tùy thuộc vào tính chất nặng/nhẹ của TNLĐ mà NSDLĐ tự tổ chức hoặc báo cáo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức điều tra TNLĐ. Điều tra TNLĐ là hoạt động bắt buộc nhằm thu thập chứng cứ, tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến vụ TNLĐ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, từ đó có biện pháp phòng ngừa, kiến nghị hoặc trực tiếp giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần ban hành một hệ thống báo cáo về các tai nạn hoặc thương tật đã xảy ra cho NLĐ trong khi làm việc tại nhà để NLĐ thực hiện được việc báo cáo của mình.

  • Thư 4, sau khi ra viện, NLĐ cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu để được hưởng bảo hiểm TNLĐ bao gồm[11]:
  • Sổ bảo hiểm xã hội;
  • Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ đối với trường hợp nội trú
  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; và
  • Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ theo mẫu.

Tóm lại, dù pháp luật lao động hiện hành chưa rõ ràng nhưng nhìn chung NLĐ làm việc tại nhà dường như có thể được hưởng các chế độ trợ cấp được áp dụng đối với TNLĐ tại nơi làm việc với điều kiện NSDLĐ phải có thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ hay có quy định, thông báo về nơi làm việc mới của NLĐ và được NLĐ đồng ý trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Trên đây là khái quát về chế độ bảo hiểm TNLĐ cho NLĐ bị TNLĐ khi làm việc tại nhà. Dựa vào đó, dù làm việc ở bất cứ nơi đâu thì NLĐ cũng có thể an tâm làm việc để NSDLĐ có thể duy trì, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiểu gánh nặng cho xã hội trong thời gian đại dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay.


[1] Khoản 8 Điều 3 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015

[2] Khoản 1 Điều 45 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015; Khoản 1 Điều 43 Luật bảo hiểm xã hội 2014

[3] Điều 45 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015; Điều 43 Luật bảo hiểm xã hội 2014

[4] Điều 48 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015; Điều 46 Luật bảo hiểm xã hội 2014

[5] Điều 49 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015; Điều 47 Luật bảo hiểm xã hội 2014

[6] Điều 51 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015; Điều 49 Luật bảo hiểm xã hội 2014

[7] Điều 52 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015; Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

[8] Điều 54 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015; Điều 52 Luật bảo hiểm xã hội 2014

[9] Điều 53 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015; Điều 51 Luật bảo hiểm xã hội 2014

[10] Điều 11 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH được Bộ lao động – Thương binh và xã hội ban hành ngày 20/09/2017; Khoản 3 Điều 45 và Điều 40 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015

[11] Điều 57 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015