Doanh nghiệp không được cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của NLĐ, không được ép buộc NLĐ thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, không được yêu cầu NLĐ không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức công đoàn hoặc phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của NLĐ.
Khi NLĐ là cán Bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn HĐLĐ thì NSDLĐ phải gia hạn HĐLĐ đã giao kết đến hết nhiệm kỳ. Nếu NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với NLĐ là cán Bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với BCHCĐ cơ sở hoặc BCH công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Nếu không thỏa thuận được, các bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, NSDLĐ mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu cán Bộ công đoàn không chuyên trách bị chấm dứt HĐLĐ, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì công đoàn đại diện cho cán Bộ công đoàn không chuyên trách đó (nếu được ủy quyền) khởi kiện tại Tòa án và hỗ trợ tìm việc làm mới và trợ cấp trong thời gian gián đoạn việc làm.
Cán Bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian trong giờ làm việc (cụ thể là 24 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch BCHCĐ cơ sở, 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên BCH, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn) để hoạt động công đoàn và được NSDLĐ trả lương đầy đủ; và được nghỉ làm việc và hưởng lương do NSDLĐ chi trả trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập.
Cán Bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp thì do công đoàn trả lương, được NSDLĐ bảo đảm phúc lợi tập thể như NLĐ làm việc trong doanh nghiệp theo TƯLĐTT hoặc quy chế của NSDLĐ.