Bên cạnh cơ chế giải quyết khiếu nại về lao động và cách thức giải quyết truyền thống là khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền, thì pháp luật lao động cũng tạo ra những hành lang pháp lý cho NLĐ và NSDLĐ những con đường khác để giải quyết tranh chấp lao động. Khi một bên có tranh chấp với bên kia về bất kỳ điều khoản hay điều kiện việc làm, tiền lương, thời giờ làm việc hay bất kỳ quyền, lợi ích và nghĩa vụ nào phát sinh giữa các bên, các bên được tôn trọng và bảo đảm được thương lượng, hòa giải để giải quyết tranh chấp lao động ngoài Tòa án. So với những mặt hạn chế nếu giải quyết tranh chấp bằng con đường Tòa án như thủ tục tố tụng tại Tòa án phức tạp, tốn kém thời gian, công sức, hay bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, bí mật đời tư hay lịch sử việc làm của NLĐ có thể bị tiết lộ do việc tố tụng công khai tại Tòa án, … thì việc giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như thương lượng hay hòa giải thực sự đóng vai trò ngày một quan trọng và được các bên ưu tiên sử dụng ngay khi xảy ra tranh chấp lao động.
Phương thức giải quyết mâu thuẫn, xung đột cơ bản nhất là hai bên sẽ cùng nhau thương lượng, trao đổi qua lại để tìm kiếm một giải pháp xử lý được tranh chấp, xung đột giữa các bên. Một bên có thể tự mình hoặc thuê luật sư trực tiếp thương lượng với bên kia và việc thương lượng không cần tuân theo một trình tự, thủ tục nào và thương lượng cũng giúp cho các bên tham gia và đưa ra quyết định trực tiếp ảnh hưởng đến chính các bên. Một cuộc thương lượng thành công là khi các nhu cầu của các bên đều được xem xét và thỏa thuận do các bên đạt được trong quá trình thương lượng có thể trở thành một hợp đồng và ràng buộc các bên phải thực thi. Ngoài ra, các bên có thể tham vấn ý kiến của luật sư trước khi hoàn tất một thỏa thuận giải quyết tranh chấp để đảm bảo được quyền lợi của mình và kết quả hoặc hậu quả phát sinh theo đó. Các bên có quyền yêu cầu và tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp tại bất kỳ giai đoạn nào sau khi tranh chấp xảy ra.