HĐLĐ sẽ bị chấm dứt khi rơi vào một trong các trường hợp sau đây:
- HĐLĐ hết hạn;
- NLĐ đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ;
- Các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ;
- NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu;
- NLĐ bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
- NLĐ chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;
- NSDLĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; hoặc NSDLĐ không phải là cá nhân bị chấm dứt hoạt động;
- NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định của pháp luật lao động;
- NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật lao động;
- NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật lao động;
- NSDLĐ cho NLĐ thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định của pháp luật lao động;
- NSDLĐ cho NLĐ thôi việc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động;
- NSDLĐ cho NLĐ thôi việc do chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp; hoặc
- NSDLĐ cho NLĐ thôi việc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Như đã nói ở trên, theo quy định của pháp luật lao động và thực tiễn xét xử tại các Tòa án, quyền lợi của NLĐ thường được ưu tiên hơn NSDLĐ và cách diễn giải, giải thích pháp luật và đánh giá tình tiết một vụ việc liên quan đến chấm dứt HĐLĐ bởi NSDLĐ cũng có xu hướng bảo vệ quyền lợi của NLĐ hơn vì NLĐ được xem là bên yếu thế trong mối quan hệ lao động. Khi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, NSDLĐ cần đáp ứng cả hai điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là quy định của pháp luật lao động cho phép các trường hợp cụ thể mà NSDLĐ được quyền chấm dứt HĐLĐ với NLĐ và điều kiện đủ là NSDLĐ phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật lao động quy định. Thiếu một trong hai điều kiện cần và điều kiện đủ hay thiếu cả hai đều dẫn đến hệ quả là NSDLĐ đã chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trái pháp luật.