Tranh chấp lao động được xem là một trong những rủi ro pháp lý có khả năng phát sinh cao trong quá trình sử dụng lao động, đặc biệt trong thị trường cung cầu hiện nay, khi hội nhập làm đa dạng hóa các quan các hệ lao động, căng thẳng và mâu thuẫn trong doanh nghiệp có khả năng ngày càng trở nên gay gắt thì tranh chấp lao động. Giải quyết tranh chấp lao động lại càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của người lao động (“NLĐ”) và người sử dụng lao động (“NSDLĐ”).
Đối với quy trình xử lý tranh chấp lao động, một cách tổng quan, tranh chấp lao động cá nhân sẽ được giải quyết thông qua hai bước chính bao gồm:
1. Bước 1: Thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động
Hầu hết các tranh chấp phát sinh giữa NSDLĐ và NLĐ đều phải được thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết.
- Theo đó, trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày một bên trong tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, bên đó có quyền nộp đơn yêu cầu hoà giải tranh chấp đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (“Phòng LĐTB&XH”) để được giải quyết;
- Kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải tranh chấp, Phòng LĐTB&XH sẽ cử hòa giải viên lao động nhằm giải quyết và kết thúc việc hòa giải tranh chấp giữa các bên trong thời hạn 05 ngày làm việc.
Hòa giải viên có nhiệm vụ hướng dẫn thương lượng và đưa ra phương án hoà giải để các bên xem xét nếu tranh chấp không thỏa thuận được. Việc có mặt của các bên trong việc hòa giải là bắt buộc và các bên trong tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải;
Việc hòa giải tranh chấp được xem là thành và được lập biên bản khi các bên thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hoà giải của hòa giải viên lao động đưa ra. Trường hợp các bên không thỏa thuận được hoặc một bên trong tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì hòa giải viên phải lập biên bản hòa giải không thành. Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc không thành trong hòa giải phải được gửi cho các bên trong tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
Lưu ý, theo quy định của pháp luật về lao động (i) các tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; (ii) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; (iii) Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với NSDLĐ; (iv) Tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; và (v) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có thể khởi kiện trực tiếp ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết, không bắt buộc phải giải quyết thông qua thủ tục hòa giải nêu trên.
2. Bước 2: Khởi kiện ra tòa án
Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp nhưng hoà giải viên lao động vẫn không tiến hành hoà giải thì mỗi bên trong tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết đối với tranh chấp lao động. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình vi phạm. Lúc này bản sao biên bản hòa giải thành hoặc không thành sẽ được xem như một tài liệu bắt buộc nộp cùng hồ sơ để chứng minh quy trình giải quyết tranh chấp lao động đã được các bên thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động.
Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm tới bài viết “2 bước quan trọng khi giải quyết tranh chấp lao động“. Nếu bạn đang gặp vấn đề trong vấn đề Tranh Chấp Lao Động. Đừng ngần ngại, hãy email cho chúng tôi tới địa chỉ info@chiaseluatlaodong.com. Chúng tôi sẽ tư vấn bạn lựa chọn giải pháp phù hợp nhất có thể.