Không có quy định nào của Bộ luật Lao động điều chỉnh đối với việc nhận thực tập nghề là sinh viên của các trường đại học sắp ra trường có nhu cầu thực tập theo yêu cầu của trường. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12.6 của Luật Giáo dục đại học và Điều 97 của Luật Giáo dục, doanh nghiệp được tiếp nhận thực tập sinh đang học tại các trường đại học và nghĩa vụ của doanh nghiệp là tạo điều kiện cho thực tập sinh được thực tập, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nói theo một cách khác, doanh nghiệp sẽ giúp đỡ thực tập sinh thực hành các kiến thức đã được học tại trường mà không phải là đào tạo nghề cho thực tập sinh để họ làm việc cho doanh nghiệp sau khi kết thúc thực tập. Do vậy, nếu NSDLĐ nhận thực tập sinh theo hình thức trên thì việc nhận thực tập này sẽ được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (“Luật Giáo dục”) chứ không phải là Bộ luật Lao động. Theo đó, NSDLĐ có thể nhận thực tập sinh theo thời hạn mà NSDLĐ và thực tập sinh tự thỏa thuận với nhau.
Về các chế độ và quyền lợi cho thực tập sinh trong thời gian thực tập, Luật Giáo dục không có quy định nào ràng buộc về nghĩa vụ của doanh nghiệp sẽ chi trả các lợi ích cho thực tập sinh trong khoảng thời gian thực tập. Do vậy, NSDLĐ có thể xem xét trả cho thực tập sinh một mức hỗ trợ hợp lý nào đó phù hợp với năng lực của thực tập sinh. Trong thực tế, để cho rõ ràng, NSDLĐ và thực tập sinh có thể ký kết một thỏa thuận thực tập quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên trong thời gian thực tập. Trong đó, các bên sẽ thỏa thuận các nội dung như: thời gian thực tập, công việc thực tập, các khoản trợ cấp (trợ cấp ăn, ở, đi lại, độc hại). Ngoài ra, NSDLĐ có thể mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế cho thực tập sinh trên cơ sở tự nguyện.
Lưu
ý rằng, người nước ngoài vào thực tập tại doanh nghiệp tại Việt Nam phải đáp ứng
các điều kiện để được cấp thị thực bao gồm những giấy tờ sau: (i) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; và (ii)
Có tổ chức tại Việt Nam mời, bảo lãnh[1].
Như vậy doanh nghiệp nơi tiếp nhận người nước ngoài có thể bảo lãnh để người nước
ngoài vào Việt Nam thực tập.
[1] Điều 10, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam” sửa thành Điều 10, Luật xuất nhập cảnh 2014.