Trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động, quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động không phải lúc nào cũng diễn biến một cách ổn định bình thường theo đúng những thỏa thuận. Khi những bất đồng về quyền và lợi ích giữa họ xuất hiện và trở nên căng thẳng, gay gắt, không thể dung hòa được thì tranh chấp lao động sẽ phát sinh. Với trình độ người lao động ngày càng được nâng cao như hiện nay, thì các vấn đề về tranh chấp lao động, đặc biệt là cách thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân luôn nhận được sự quan tâm từ phía người lao động và người sử dụng lao động .
Để giải quyết những “mâu thuẫn” trên, thị trường pháp lý Việt Nam hiện nay đang tồn tại 3 cách để giải quyết tranh chấp lao động như sau:
1. Tự thương lượng, hòa giải
Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động về bản chất vẫn là quan hệ pháp luật dân sự, mà ở đó, nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận là cốt lõi. Vì vậy, khi tranh chấp lao động phát sinh, tự thương lượng, hòa giải được xem là một trong những phương án tối ưu nhất trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Thông qua đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể tháo gỡ những mâu thuẫn lợi ích một cách nhanh chóng và hiệu quả. Do đó người lao động và người sử dụng lao động nên chủ động hòa giải, làm việc cùng nhau về cách thức giải quyết tranh chấp lao động nhằm tránh được những ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ và lợi ích của các bên và cả môi trường làm việc về sau.
2. Giải quyết tranh chấp lao động tại hòa giải viên lao động
Bất cứ tranh chấp lao động cá nhân nào phát sinh cũng phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
- Tranh chấp lao động về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Tranh chấp lao động về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Tranh chấp lao động giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Tranh chấp lao động về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; và
- Tranh chấp lao động về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Mặc dù vậy, không có bất cứ quy định pháp luật lao động hiện hành nào cấm hoặc giới hạn quyền được nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên lao động đối với các tranh chấp lao động như được liệt kê trên đây, do đó, nếu cả người lao động và người sử dụng lao động mong muốn được hòa giải tranh chấp lao động và nhận thấy tranh chấp vẫn có thể hòa giải được thì các bên có quyền nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động trước khi tranh chấp lao động được khởi kiện và giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền.
3. Giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án
Giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án là lựa chọn cuối cùng của người lao động và người sử dụng lao động để giải quyết tranh chấp trong trường hợp (i) hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải tranh chấp lao động theo đúng thời hạn luật định khi được yêu cầu; (ii) hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp lao động không thành; hoặc (iii) hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp lao động thành nhưng một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành theo đó, mỗi bên trong tranh chấp lao động có quyền trực tiếp nộp đơn để yêu cầu Toà án giải quyết.
Ngoài ra, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm cũng như tránh nguy cơ không giải quyết triệt để vấn đề và không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của
người lao động tại bước hòa giải tại tại hòa giải viên lao động, trên thực tế, khi có các tranh chấp lao động như được liệt kê cụ thể tại Mục 2 trên đây xảy ra, người sử dụng lao động hoặc người lao động trong các tranh chấp này có thể trực tiếp nộp đơn lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.
Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm tới bài viết 3 Cách Giải Quyết Tranh Chấp Lao Động Cá Nhân. Nếu bạn đang gặp vấn đề trong vấn đề Tranh Chấp Lao Động. Đừng ngần ngại, hãy email cho chúng tôi tới địa chỉ info@chiaseluatlaodong.com. Chúng tôi sẽ tư vấn bạn lựa chọn giải pháp phù hợp nhất có thể.