Định kỳ ít nhất một năm một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của một bên, một bên (bên tập thể lao động hoặc bên NSDLĐ) có quyền yêu cầu thương lượng tập thể, thảo luận, đàm phán để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động hay xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ tiến hành ký kết TƯLĐTT. TƯLĐTT là một văn bản thỏa thuận ghi nhận kết quả về điều kiện lao động mà NSDLĐ và tập thể lao động đã đạt được từ việc thương lượng tập thể. Nếu có bên nào từ chối thương lượng thì bên yêu cầu có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
TƯLĐTT bao gồm TƯLĐTT doanh nghiệp, TƯLĐTT ngành và các hình thức TƯLĐTT khác do Chính phủ quy định.
4.3.1. Nguyên tắc thương lượng tập thể và giao kết Thỏa ước lao động tập thể
Các bên thương lượng tập thể và giao kết TƯLĐTT trên nguyên tắc thiện chí, bình đẳng, hợp tác, công khai và minh bạch. Các nội dung của TƯLĐTT không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.
NSDLĐ sẽ trực tiếp tham gia cuộc họp thương lượng tập thể hoặc thông qua đại diện hợp pháp của NSDLĐ và đại diện tập thể lao động tham gia cuộc họp thương lượng tập thể là BCHCĐ cơ sở hoặc BCHCĐ cấp trên.
Bạn đọc có thể tham khảo Quy trình 4 – Thương lượng tập thể tại doanh nghiệp tại Phần 2, Chương I Quyển Sổ tay này.
4.3.2. Nội dung thương lượng tập thể và nội dung của Thỏa ước lao động tập thể
Các bên có thể thương lượng về tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca, bảo đảm việc làm đối với NLĐ, bảo đảm ATLĐ, VSLĐ, thực hiện NQLĐ và các nội dung khác mà các bên quan tâm. Nội dung của TƯLĐTT được ký kết chính là những nội dung mà các bên đã đạt được từ việc thương lượng tập thể.
4.3.3. Ký kết và hiệu lực của Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp
TƯLĐTT doanh nghiệp được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với NSDLĐ hoặc đại diện hợp pháp của NSDLĐ. Cụ thể, người ký kết TƯLĐTT doanh nghiệp bên tập thể lao động là Chủ tịch BCHCĐ cơ sở hoặc Chủ tịch BCHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập BCHCĐ cơ sở và người ký kết TƯLĐTT doanh nghiệp bên NSDLĐ là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp. Người ký kết TƯLĐTT được quyền ủy quyền bằng văn bản cho người khác ký kết TƯLĐTT.
TƯLĐTT có hiệu lực kể từ ngày được ghi trong TƯLĐTT. Nếu không có ghi ngày có hiệu lực của TƯLĐTT thì TƯLĐTT sẽ có hiệu lực kể từ ngày các bên ký kết.
TƯLĐTT doanh nghiệp có thời hạn từ một đến ba năm hoặc dưới một năm nếu doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết TƯLĐTT. Các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của TƯLĐTT hoặc ký kết TƯLĐTT mới trong ba tháng trước ngày TƯLĐTT hết hạn. Các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT trong thời hạn theo quy định của pháp luật lao động.
4.3.4. Thực hiện Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp
NSDLĐ, NLĐ đang làm việc cho NSDLĐ tại thời điểm TƯLĐTT doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực và kể cả NLĐ vào làm việc sau ngày TƯLĐTT doanh nghiệp có hiệu lực phải thực hiện đầy đủ nội dung của TƯLĐTT doanh nghiệp.
Thứ tự ưu tiên áp dụng khi có mâu thuẫn với các văn bản, quy định khác?
- Nếu quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các bên trong HĐLĐ đã giao kết trước ngày TƯLĐTT có hiệu lực thấp hơn các quy định tương ứng của TƯLĐTT, các bên phải thực hiện những quy định tương ứng của TƯLĐTT doanh nghiệp. Trong trường hợp này, các bên có thể điều chỉnh lại hợp đồng lao động đã ký bằng việc: (i) ký HĐLĐ mới; hoặc (ii) ký phụ lục HĐLĐ để ghi nhận các nội dung được thay đổi theo TƯLĐTT;
- Nếu quy định nào của NSDLĐ về lao động mà chưa phù hợp với TƯLĐTT, NSDLĐ sẽ phải sửa đổi các quy định đó cho phù hợp với TƯLĐTT; và
- Nếu nội dung của TƯLĐTT hoặc quy định của NSDLĐ về quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của NLĐ trong doanh nghiệp thấp hơn các quy định tương ứng của TƯLĐTT ngành (nếu có) thì phải sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT.
4.3.5. Sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể
TƯLĐTT doanh nghiệp sẽ được sửa đổi, bổ sung khi: (i) các bên có yêu cầu; (ii) pháp luật có thay đổi; hoặc (iii) có chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp.
a) Thời hạn các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể Doanh nghiệp
Trong quá trình thực hiện TƯLĐTT doanh nghiệp, cụ thể sau ba tháng (đối với TƯLĐTT doanh nghiệp có thời hạn dưới một năm) hoặc sáu tháng (đối với TƯLĐTT doanh nghiệp có thời hạn từ một đến ba năm), các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT doanh nghiệp.
b) Sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể trong trường hợp pháp luật có thay đổi
Nếu quy định của pháp luật thay đổi mà dẫn đến TƯLĐTT doanh nghiệp không còn phù hợp nữa, các bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT doanh nghiệp sao cho phù hợp với quy định của pháp luật mới trong vòng 15 ngày kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực. Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT doanh nghiệp thì quyền lợi của NLĐ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
c) Chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp
Khi chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp thì NSDLĐ kế tiếp và đại diện tập thể lao động căn cứ vào phương án sử dụng lao động để xem xét lựa chọn việc tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT doanh nghiệp cũ hoặc thương lượng để TƯLĐTT doanh nghiệp mới.