Năm 2019, một số văn bản điều chỉnh lĩnh vực lao động – tiền lương – bảo hiểm chính thức được áp dụng. Theo đó, quyền lợi của người lao động năm 2019 cũng sẽ thay đổi.
1 – Tăng lương tối thiểu vùng
Từ ngày 01/01/2019, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 160.000 đồng – 200.000 đồng theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP. Mức lương tối thiểu vùng 1 là 4.180.000 đồng/tháng; Vùng 2 là 3.710.000 đồng/tháng; Vùng 3 là 3.250.000 đồng/tháng; Vùng 4 là 2.920.000 đồng/tháng.
Do đó, những người lao động có mức lương dưới mức tối thiểu nêu trên sẽ được điều chỉnh lương để ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng với công việc giản đơn nhất; hoặc cao hơn ít nhất 7% với công việc đòi hỏi qua đào tạo.
Xem thêm: Tác động của tăng lương tối thiểu vùng đến người lao động
2 – Được tham gia ý kiến xây dựng thang, bảng lương
Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở nơi làm việc cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Theo quy định mới của Nghị định này, từ năm 2019, người lao động được tham gia ý kiến về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương; đề xuất nội dung thương lượng tập thể.
Đồng thời, người lao động cũng được quyền kiểm tra, giám sát việc đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng như việc thực hiện hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.
Người lao động đã được tham gia ý kiến xây dựng thang, bảng lương (Ảnh minh họa)
3 – Tăng trợ cấp thai sản từ ngày 01/07/2019
Lao động nữ sinh con trong năm 2019 cũng cần hết sức lưu ý đến thông tin này. Cụ thể, từ ngày 01/07/2019, lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết 70/2018/QH14.
Trong khi đó, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định lao động nữ sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần sau khi sinh bằng 02 lần mức lương cơ sở. Như vậy, từ thời điểm 01/07/2019, tiền trợ cấp thai sản của lao động nữ là 2,98 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với thời điểm trước đó.
Tương tự, mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, sau sinh cũng sẽ tăng khoảng 30.000 đồng/ngày.
4 – Tính lương ngày nghỉ lễ, tết theo căn cứ mới
Năm 2019 cũng sẽ áp dụng quy định mới về tính lương ngày nghỉ lễ, tết theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể:
Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong những ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương là tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng, nhân với số ngày người lao động nghỉ.
Trước đây, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề.
Ngoài một số quyền lợi như nêu trên, trong năm 2019 còn có nhiều thay đổi khác về chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm y tế liên quan trực tiếp đến người lao động.
Nguồn bài viết:
https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/4-thay-doi-ve-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong-nam-2019-230-18517-article.html