Theo quy định của pháp luật lao động, NSDLĐ trả tiền lương cho NLĐ để thực hiện công việc theo sự thỏa thuận của hai bên. Về mặt nguyên tắc, tiền lương trả cho NLĐ được căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc và NSDLĐ phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau.
Tiền lương thông thường sẽ bao gồm ba khoản chính riêng biệt: (i) mức lương theo công việc hoặc chức danh; (ii) phụ cấp lương; và (iii) các khoản bổ sung khác được ghi trong HĐLĐ bằng tiền đồng, trừ trường hợp trả lương, phụ cấp lương cho các đối tượng theo quy định của pháp luật về ngoại hối bao gồm: (i) người cư trú là người nước ngoài; (ii) người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn dưới 12 tháng; và (iii) công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn từ 12 tháng trở lên.
6.1.1. Mức lương
Lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương mà NSDLĐ đã xây dựng. Riêng đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương là mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. Khi xây dựng mức lương trong thang lương, bảng lương để áp dụng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cần lưu ý đến mức lương tối thiểu vùng và mức lương tối thiểu ngành (nếu có). Mức lương mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ ban hành tại từng thời điểm và tùy từng trường hợp cụ thể.
(a) Mức lương tối thiểu vùng
Định kỳ hàng năm, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng theo khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Tiếng nói của NSDLĐ và NLĐ trong vấn đề tiền lương phần nào được cân bằng thông qua cơ chế hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia. Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ để điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu vùng. Trong thành phần cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia đều có thành viên đại diện của Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của tổ chức đại diện NSDLĐ là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Chính với cấu trúc này, tổ chức đại diện cho NSDLĐ (tức là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và tổ chức đại diện cho NLĐ (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) là các thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia định kỳ gặp nhau và trao đổi, thương lượng về mức lương tối thiểu vùng. Các thành viên đại diện phải đảm bảo mức lương tối thiểu vùng đã được cân nhắc theo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình NLĐ cùng với điều kiện kinh tế xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, và một khi đạt được thống nhất, đó sẽ là cơ sở để Chính phủ điều chỉnh và công bố mức lương tối thiểu vùng.
Hiện nay, có 04 vùng riêng biệt được áp dụng với mức lương tối thiểu vùng khác nhau. Tùy thuộc vào nơi doanh nghiệp hoạt động thuộc địa bàn vùng nào thì mức lương tối thiểu vùng sẽ khác nhau. Doanh nghiệp sẽ cần rà soát các nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn theo quy định của pháp luật để áp dụng cho doanh nghiệp mình, cụ thể là:
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó;
- Doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó;
- Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất;
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới; và
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc Vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại Vùng III.
Lưu ý, trong trường hợp NSDLĐ tuyển NLĐ đã qua đào tạo nghề để thực hiện các công việc không đòi hỏi phải qua đào tạo nghề thì mức lương thấp nhất phải trả cho NLĐ đó cũng phải cao hơn 07% mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đó.
(b) Mức lương tối thiểu ngành
Bên cạnh mức lương tối thiểu vùng, pháp luật lao động cũng quy định về mức lương tối thiểu ngành. Theo đó, mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành ghi trong TƯLĐTT ngành và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. Do đó, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành có TƯLĐTT ngành tương ứng quy định về mức lương tối thiểu ngành, mức lương tối thiểu ngành không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
(c) Xây dựng thang lương, bảng lương
Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương làm cơ sở để thỏa thuận mức lương ghi trong HĐLĐ và trả lương cho NLĐ theo các nguyên tắc sau đây:
- Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ;
- Doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong HĐLĐ, TƯLĐTT hoặc trong quy chế của doanh nghiệp;
- Thang lương, bảng lương phải bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn đối với NLĐ, đồng thời phải xây dựng tiêu chuẩn để xếp lương, điều kiện nâng bậc lương;
- Thang lương, bảng lương phải đáp ứng điều kiện về mức tối thiểu. Tùy từng trường hợp cụ thể, mức lương trong thang lương, bảng lương không được thấp hơn mức tối thiểu do pháp luật quy định, như sau:
- Đối với công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường, mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tùy từng thời điểm. Mức lương này không bao gồm khoản tiền trả thêm cho NLĐ khi NLĐ làm thêm giờ và/hoặc làm việc vào ban đêm;
- Đối với công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (theo danh mục mà pháp luật quy định, kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề), mức lương phải cao hơn ít nhất 07% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; và
- Đối với công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, mức lương phải cao hơn ít nhất 05%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 07% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
- Thang lương sẽ có một Bội số nhất định. Theo đó, Bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất. Số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.
Khi xây dựng thang lương, bảng lương, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của BCHCĐ cơ sở hoặc BCHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập BCHCĐ cơ sở. Sau khi ban hành thang lương, bảng lương, NSDLĐ cần công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện (tức Phòng LĐTBXH của UBND cấp huyện) nơi đặt cơ sở sản xuất của NSDLĐ đó.
Lưu ý, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khi xây dựng thang lương, bảng lương phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện. Đối với Công ty mẹ – Tập đoàn kinh tế nhà nước, Công ty mẹ của Tổng Công ty hạng đặc biệt, ngoài việc báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện thì đồng thời phải gửi cho Bộ LĐTBXH để theo dõi, giám sát.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm Quy trình 5 – Xây dựng, sửa đổi và bổ sung thang lương bảng lương tại Phần 2, Chương I Quyển Sổ tay này.
(d) Sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương
Chú ý rằng, theo quy định của pháp luật lao động[1], NSDLĐ phải định kỳ rà soát để sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương cho phù hợp với: (i) điều kiện thực tế về đổi mới công nghệ; (ii) tổ chức sản xuất và tổ chức lao động; (iii) mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động; và (iv) bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật lao động. Trên thực tế, do mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở hằng năm, nên thang lương và bảng lương cũng phải được NSDLĐ rà soát và điều chỉnh tăng theo, trừ trường hợp bậc lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương vẫn cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại thời điểm đó.
Quy trình sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương sẽ giống như quy trình ban hành thang lương, bảng lương mới.
6.1.2. Định mức lao động
Định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn Bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý, và được xây dựng trên cơ sở cấp bậc của công việc hoặc chức danh, phù hợp với cấp bậc, trình độ đào tạo của NLĐ, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc thiết bị và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động.
Mức lao động cũng là cách thức giúp doanh nghiệp xác định được mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông NLĐ thực hiện được mà vẫn đảm bảo không kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức. Thời gian thử sẽ tùy theo tính chất công việc nhưng không được vượt quá 3 tháng. Kết thúc quá trình thử, doanh nghiệp cần đánh giá việc thực hiện mức lao động này để xác định được chính xác mức lao động trong doanh nghiệp mình như thế nào là phù hợp. Dung sai là 5% – 10%. Cụ thể, nếu trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mức lao động.
Doanh nghiệp phải định kỳ rà soát và đánh giá định mức lao động để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tham khảo ý kiến của BCHCĐ cơ sở hoặc BCHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập BCHCĐ cơ sở khi xây dựng và sửa đổi, bổ sung, công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp quận/huyện (tức Phòng LĐTBXH của UBND cấp quận/huyện) nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp là các thủ tục doanh nghiệp phải thực hiện.
6.1.3. Phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác
Ngoài mức lương, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận về việc trả thêm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh.
(a) Phụ cấp lương
Quy định của pháp luật lao động phân chia phụ cấp lương ra làm hai loại là:
- Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ; và
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp cho các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ:
- Bù đắp yếu tố điều kiện lao động: công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc: công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao, có ảnh hưởng đến các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của NLĐ;
- Bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt: công việc thực hiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, công việc NLĐ phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều kiện sinh hoạt của NLĐ không thuận lợi khi thực hiện công việc; và
- Bù đắp các yếu tố để thu hút lao động: khuyến khích NLĐ đến làm việc ở vùng kinh tế mới, thị trường mới mở; nghề, công việc kém hấp dẫn, cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế; khuyến khích NLĐ làm việc có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn hoặc đáp ứng tiến độ công việc được giao.
(b) Các khoản bổ sung khác
Các khoản bổ sung kháccũng được phân chia ra hai loại là: (i) Các khoản được xác định bằng mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; và (ii) Các khoản không xác định được bằng mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và được trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của NLĐ.
6.1.4. Các chế độ và phúc lợi khác
Các
khoản phúc lợi và chế độ sau đây phải được thỏa thuận và ghi nhận thành một mục
riêng trong HĐLĐ, mà không được đưa vào mức lương, phụ cấp lương hay là các khoản
bổ sung khác trong HĐLĐ: tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại,
tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết,
NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó
khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp
khác mà không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong HĐLĐ.
[1] Điều 7.5 Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013.