Tai nạn lao động là các tai nạn xảy ra dẫn đến gây tổn thương cho bất kỳ Bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ (áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc) xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, bao gồm cả tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Bởi vì tai nạn lao động có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho NLĐ nên pháp luật lao động đặt ra trách nhiệm của các bên mà ở đó bản thân NLĐ, NSDLĐ cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan phải phối hợp giải quyết vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
8.2.1 Trách nhiệm của các bên khi xảy ra tai nạn lao động
Điều đầu tiên cần làm khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, VSLĐ là người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, NSDLĐ biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra.
Ngay khi nhận được tin báo, NSDLĐ phải nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ bị tai nạn lao động như sau:
- Kịp thời sơ cứu, cấp cứu người bị nạn ngay khi người bị nạn hoặc người biết sự việc thông báo cho NSDLĐ về tai nạn lao động xảy ra và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho NLĐ bị tai nạn lao động.
- Khai báo cho các cơ quan có thẩm quyền theo nguyên tắc sau:
- Nếu tai nạn lao động làm chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên thì NSDLĐ bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) phải khai báo cho Thanh tra Sở LĐTBXH nơi xảy ra tai nạn. Trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo cho cơ quan Công an quận, huyện nơi xảy ra tai nạn;
- Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường Bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc phải thông báo đến Sở LĐTBXH và cơ quan Công an quận, huyện như trên, NSDLĐ còn có trách nhiệm khai báo theo quy định của luật chuyên ngành và với Bộ quản lý ngành lĩnh vực đó nếu pháp luật chuyên ngành không có quy định khác;
- Nếu xảy ra tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 NLĐ thì NSDLĐ có quyền tự thành lập đoàn điều tra được nêu tại nội dung bên dưới của Mục 8.2.1 dưới đây mà không bắt buộc phải khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như hai trường hợp nêu trên.
- Về phía NSDLĐ, NSDLĐ cần phân loại mức độ của tai nạn lao động (từ nhẹ đến nặng) để khai báo kịp thời đúng cơ quan có thẩm quyền, cụ thể như sau:
- Tai nạn lao động làm chết người là tai nạn lao động mà NLĐ bị chết trong các trường hợp sau đây: (i) chết tại nơi xảy ra tai nạn; (ii) chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu; (iii) chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y; (iv) NLĐ được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích;
- Tai nạn lao động làm NLĐ bị thương nặng là tai nạn lao động làm NLĐ bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Danh mục các chấn thương để xác định loại TNLĐ nặng được Chính phủ ban hành tại từng thời điểm; và
- Các trường hợp còn lại không thuộc các trường hợp liệt kê trên sẽ được phân loại là TNLĐ làm NLĐ bị thương nhẹ.
- Điều tra vụ TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, VSLĐ.
Về nguyên tắc, khi một vụ TNLĐ hay sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, VSLĐ xảy ra thì việc tiến hành điều tra là cần thiết để xác định nguyên nhân của vụ việc mà qua đó NSDLĐ sẽ có các biện pháp xử lý và ngăn ngừa thiệt hại xảy ra, nếu có. Vì lẽ này, pháp luật lao động đã quy định trách nhiệm của NSDLĐ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra vụ TNLĐ như sau:
Thành lập đoàn điều tra
- Tại nơi mà vụ TNLĐ làm bị thương nhẹ hoặc làm bị thương nặng NLĐ thuộc thẩm quyền quản lý của NSDLĐ thì NSDLĐ phải thành lập đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục C-1, Phần 2, Chương II Quyển Sổ tay này.
Đối với các vụ TNLĐ xảy ra tại nơi thuộc thẩm quyền quản lý của NSDLĐ, nhưng nạn nhân là NLĐ thuộc quyền quản lý của NSDLĐ khác, thì NSDLĐ tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm thành lập đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở, đồng thời mời đại diện NSDLĐ của nạn nhân tham gia đoàn điều tra.
- Tại nơi mà vụ TNLĐ làm chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên, kể cả đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ thì sau khi nhận được tin báo xảy ra, Thanh tra Sở LĐTBXH cử người đến hiện trường trong thời hạn 02 giờ để xác minh và sau đó Giám đốc Sở LĐTBXH phải ra quyết định thành lập đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH.
Trường hợp tra vụ TNLĐ đã được đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở điều tra nhưng có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết thì Sở LĐTBXH phải thành lập đoàn điều tra cấp tỉnh để điều tra lại.
- Đối với các vụ TNLĐ mà xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra vượt quá khả năng xử lý của đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh hoặc xét thấy cần điều tra lại vụ TNLĐ đã được đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh điều tra thì Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ra quyết định thành lập đoàn điều tra TNLĐ cấp trung ương để tiến hành điều tra các vụ TNLĐ.
- Trường hợp các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường Bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì việc thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành và có sự phối hợp của Thanh tra an toàn, VSLĐ.
Thành phần đoàn điều tra
Để đảm bảo tính minh bạch và khách quan trong quá trình điều tra vụ TNLĐ, đoàn điều tra cấp cơ sở/tỉnh/trung ương khi thực hiện việc điều tra phải đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của các thành viên như quy định của pháp luật, cụ thể:
- Thành phần đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở bao gồm: (i) NSDLĐ (hoặc người đại diện được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản) làm Trưởng đoàn; (ii) đại diện BCHCĐ cơ sở hoặc đại diện tập thể NLĐ khi doanh nghiệp chưa thành lập BCHCĐ cơ sở; và (iii) người làm công tác ATLĐ, người làm công tác y tế và một số thành viên khác; và
- Thành phần đoàn điều tra TNLĐ tỉnh bao gồm: (i) đại diện của Thanh tra chuyên ngành về ATLĐ, VSLĐ thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh làm Trưởng đoàn; (ii) đại diện Sở Y tế; (iii) đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh; và (iv) một số thành viên khác; và
- Thành phần đoàn điều tra TNLĐ cấp trung ương gồm có: (i) đại diện Bộ LĐTBXH; (ii) đại diện Bộ Y tế; (iii) đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; và (iv)) một số thành viên khác.
Thủ tục điều tra tai nạn lao động
Việc áp dụng cách thức điều tra phù hợp sẽ giúp cho đoàn điều tra xác định được nguyên nhân của vụ việc nhanh chóng và chính xác. Theo đó, đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở/tỉnh/trung ương (“Đoàn Điều Tra”) khi thực hiện vai trò điều tra của mình có thể kết hợp một hoặc nhiều biện pháp như lấy lời khai của nạn nhân người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ TNLĐ, đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết), yêu cầu các bên liên quan cung cấp các tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ TNLĐ.
Một vấn đề quan trọng mà NSDLĐ cần lưu ý khi xảy ra TNLĐ chết người hoặc TNLĐ nặng để không gây khó khăn cho quá trình điều tra của Đoàn Điều Tra, đó là, NSDLĐ cần ưu tiên giữ nguyên hiện trường xảy ra TNLĐ để không làm mất các dấu vết, chứng cứ của vụ tai nạn. Trường hợp do phải cấp cứu người bị nạn để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra cho người khác dẫn đến làm xáo trộn hiện trường thì NSDLĐ của cơ sở xảy ra TNLĐ có trách nhiệm vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể) để làm tài liệu cho việc điều tra. NSDLĐ chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các bước điều tra và được sự đồng ý bằng văn bản của đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh hoặc cơ quan công an.
Sau khi Đoàn Điều Tra đã xác định được nguyên nhân của vụ TNLĐ, Trưởng Đoàn Điều Tra TNLĐ phải lập biên bản điều tra và nêu rõ kết luận điều tra là TNLĐ hay không (Bạn đọc có thể tham khảo mẫu biên bản điều tra áp dụng đối với đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở được quy định tại Phụ lục C-2, Phần 2, Chương II Quyển Sổ tay này). Biên bản điều tra phải được công bố tại cuộc họp và được lập thành biên bản theo mẫu được quy định tại Phụ lục C-3, Phần 2, Chương II Quyển Sổ tay này.
Lưu ý rằng cuộc họp công bố biên bản điều tra phải có sự tham dự và có chữ ký đầy đủ của các thành viên ký vào biên bản cuộc họp, bao gồm: (i) Trưởng Đoàn Điều Tra TNLĐ; (ii) NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản tham dự cuộc họp; (iii) Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn; (iv) Đại diện BCHCĐ cơ sở hoặc BCHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập BCHCĐ cơ sở; và (v) Thành viên Đoàn Điều Tra TNLĐ. Nếu có bất kỳ thành viên dự họp nào có ý kiến không nhất trí với nội dung biên bản điều tra TNLĐ thì phải ghi ý kiến của họ vào biên bản cuộc họp. Trường hợp TNLĐ gây chết người thì phải có mặt của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân đã tham gia điều tra.
Thời hạn điều tra
Theo quy định của pháp luật lao động, việc điều tra vụ việc TNLĐ phải tuân thủ trong một thời hạn nhất định. Cụ thể, thời hạn điều tra TNLĐ tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo TNLĐ đến khi công bố biên bản điều tra TNLĐ tối đa không quá 04 ngày đối với TNLĐ làm bị thương nhẹ NLĐ, 07 ngày đối với TNLĐ làm bị thương nặng một NLĐ, 20 ngày đối với TNLĐ làm bị thương nặng từ hai NLĐ trở lên, 30 ngày đối với TNLĐ chết người và 60 ngày đối với TNLĐ cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y.
Mặc dù vậy, nếu vụ việc điều tra có tình tiết phức tạp cần phải được gia hạn thì thời hạn điều tra sẽ được gia hạn một lần nhưng không được vượt quá thời hạn quy định nêu trên và phải được sự đồng ý của người ban hành quyết định thành lập Đoàn Điều Tra (TNLĐ làm bị thương nhẹ NLĐ không được gia hạn).
Ngoài ra, trong quá trình điều tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Đoàn Điều Tra phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, khởi tố. Thời gian giải quyết đối với kiến nghị khởi tố sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Nếu sau khi điều tra mà cơ quan điều tra hình sự không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc TNLĐ thì cơ quan điều tra hình sự phải chuyển giao toàn Bộ tài liệu của vụ án cho Đoàn Điều Tra tiếp tục điều tra, thời hạn điều tra lúc này sẽ được tính từ khi Đoàn Điều Tra nhận được đầy đủ tài liệu liên quan đến vụ tai nạn.
8.2.2 Giải quyết chế độ cho Người lao động khi xảy ra tai nạn lao động
Bên cạnh trách nhiệm NSDLĐ phải thực hiện để điều tra vụ việc TNLĐ như trên, như là một chế độ bù đắp cho thiệt hại của NLĐ do TNLĐ gây ra, NLĐ sẽ được hưởng các chế độ sau đây từ NSDLĐ theo quy định của pháp luật.
(a) Chi phí y tế
Đối với các chi phí y tế phát sinh cho việc điều trị của NLĐ từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định, NSDLĐ phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với NLĐ tham gia BHYT. Nếu NLĐ không tham gia BHYT thì NSDLĐ phải thanh toán toàn Bộ chi phí y tế cho NLĐ.
Ngoài ra, NSDLĐ cũng phải chi trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do NSDLĐ giới thiệu NLĐ đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
(b) Tiền lương
NSDLĐ trả đủ tiền lương của những ngày NLĐ phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do bị TNLĐ. Tiền lương theo quy định tại đây và tiền lương để tính mức bồi thường và trợ cấp là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được tính bình quân của 06 tháng liền kề trước khi TNLĐ xảy ra theo quy định của pháp luật về lao động.
(c) Tiền bồi thường
NSDLĐ chi trả một khoản tiền gọi là tiền bồi thường cho NLĐ khi bị TNLĐ trong các trường hợp sau đây: (i) TNLĐ xảy ra hoàn toàn không do lỗi của NLĐ; (ii) TNLĐ xảy ra khi NLĐ thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của NSDLĐ ở ngoài phạm vi doanh nghiệp mà do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn.
Mức bồi thường được tính căn cứ vào mức độ NLĐ bị suy giảm khả năng lao động như sau:
(d) Trợ cấp tai nạn lao động
Nếu TNLĐ xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ hoặc xảy ra khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý do lỗi của chính NLĐ gây ra hoặc do lỗi của người khác hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ phải trả trợ cấp TNLĐ cho NLĐ.
Mức trợ cấp được tính bằng 40% mức bồi thường tương ứng vào mức độ NLĐ bị suy giảm khả năng lao động tại Mục 8.2.2(c).
Việc thực hiện chi trả tiền bồi thường, trợ cấp (“Tiền Thanh Toán”) tại Mục 8.2.2. (c) và 8.2.2. (d) cho NLĐ phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Thời hạn thanh toán là trong vòng 05 ngày kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn Điều Tra công bố biên bản điều tra TNLĐ đối với TNLĐ chết người; và
- Nếu NSDLĐ đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị TNLĐ tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm sẽ là đơn vị chi trả Tiền Thanh Toán cho người bị TNLĐ. Tuy nhiên, nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị TNLĐ thấp hơn mức quy định về bồi thường và trợ cấp theo quy định của pháp luật thì NSDLĐ phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị TNLĐ hoặc thân nhân của người bị TNLĐ nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp quy định.
(e) Chế độ bảo hiểm xã hội
Nếu NLĐ đang tham gia đóng BHXH bắt buộc hàng tháng theo quy định của Luật BHXH thì NSDLĐ phải lập hồ sơ cho NLĐ hưởng chế độ về TNLĐ theo quy định của Luật BHXH. Mức hưởng chế độ BHXH này sẽ do cơ quan BHXH chi trả được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động, mức đóng và thời gian đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ của NLĐ.
Trường hợp NSDLĐ không đóng bảo hiểm TNLĐ cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH thì ngoài việc phải chi trả Tiền Thanh Toán, NSDLĐ còn phải trả khoản tiền tương ứng với mức trợ cấp do Quỹ bảo hiểm TNLĐ của cơ quan BHXH chi trả theo quy định của Luật BHXH. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của NLĐ.
(f) Ngoài việc phải chi trả các khoản chi phí để bù đắp cho NLĐ như trên thì NSDLĐ cũng phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe của NLĐ căn cứ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với NLĐ bị TNLĐ nếu sau khi điều trị, phục hồi chức năng NLĐ còn có thể tiếp tục làm việc cho NSDLĐ.
Lưu ý rằng không phải mọi trường hợp NLĐ khi bị TNLĐ đều được hưởng một trong các chế độ nêu trên. Nếu kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân của TNLĐ là: (i) do mâu thuẫn của chính NLĐ với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; hoặc (ii) do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; hoặc (iii) do NLĐ sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật thì NSDLĐ sẽ không phải chi trả tất cả các khoản chi phí nêu trên cho NLĐ.