Bên cạnh sự cố về TNLĐ có thể xảy ra trong quá trình làm việc, do tính chất công việc của một số lĩnh vực đặc thù phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại mà NLĐ có thể bị ảnh hưởng dẫn đến mắc bệnh nghề nghiệp nên pháp luật lao động cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ khi mắc bệnh nghề nghiệp.
8.3.1 Khám sức khỏe, khám phát hiện và khám định kỳ bệnh nghề nghiệp
Theo định nghĩa của pháp luật lao động, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với NLĐ. Nhằm phòng tránh tối đa bệnh nghề nghiệp xảy ra đối với NLĐ, vấn đề kiểm tra sức khỏe cho NLĐ luôn ưu tiên đặt ra khi NLĐ được yêu cầu làm việc trong các ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cụ thể như sau:
- Nếu NSDLĐ dự định bố trí NLĐ làm việc hoặc chuyển NLĐ sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe mà tiếp tục trở lại làm việc với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì NSDLĐ phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ (trừ trường hợp NLĐ đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động). Theo đó, như một nguyên tắc bảo vệ sức khỏe cho NLĐ, nếu kết quả khám sức khỏe cho thấy NLĐ không đủ điều kiện và sức khỏe làm việc trong các ngành nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì NSDLĐ không được tuyển dụng hoặc bố trí NLĐ làm việc trong điều kiện trên kể cả khi NLĐ đồng ý;
- Đối với NLĐ có đủ điều kiện sức khỏe và đang làm việc trong các ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì định kỳ ít nhất 06 tháng một lần NSDLĐ phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ để có thể điều trị kịp thời cho NLĐ nếu phát hiện bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, trong trường hợp NSDLĐ hoặc NLĐ có nghi ngờ NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính thì một trong hai bên có thể đưa ra yêu cầu để khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ;
- Nếu NLĐ đã được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp sau khi khám bệnh thì hằng năm NSDLĐ cũng phải tổ chức khám định kỳ trong thời hạn 06 tháng một lần hoặc 01 năm một lần cho NLĐ tùy theo bệnh nghề nghiệp của NLĐ.
Lưu ý:
- Việc khám phát hiện và chẩn đoán bệnh nghề nghiệp sẽ căn cứ vào danh mục các bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành.
Hiện nay, theo quy định mới nhất của Thông Tư do Bộ Y tế ban hành thì có đến 34 bệnh nghề nghiệp mà NLĐ có khả năng mắc phải. Danh mục này sẽ được Bộ Y tế rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo từng thời kỳ trên cơ sở lấy ý kiến của Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và tổ chức đại diện NSDLĐ, tổ chức xã hội có liên quan. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục nghề nghiệp nêu trên cũng sẽ được dựa trên báo cáo định kỳ hằng năm của NSDLĐ gửi cho Sở Y tế về phòng, chống bệnh nghề nghiệp trong doanh nghiệp. - Hồ sơ và quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám định kỳ phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Y tế ban hành tại từng thời điểm.
8.3.2 Điều tra bệnh nghề nghiệp
Các trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp
Việc điều tra bệnh nghề nghiệp được đặt ra khi có yêu cầu của các bên liên quan và được phân thành các mức độ điều tra như sau:
- Điều tra lần đầu áp dụng trong các trường hợp sau:
- NLĐ yêu cầu điều tra do chưa được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật về an toàn VSLĐ;
- NSDLĐ yêu cầu điều tra;
- Xảy ra nhiều trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc nhiều người bị ốm, mắc bệnh trong cùng một thời điểm tại doanh nghiệp;
- Kết quả quan trắc môi trường lao động vượt giới hạn cho phép nhưng không có trường hợp NLĐ được phát hiện bệnh nghề nghiệp hoặc NSDLĐ không thực hiện quan trắc môi trường lao động và khám sức khỏe cho NLĐ; và
- Cơ quan BHXH yêu cầu điều tra.
- Điều tra lại áp dụng trong các trường hợp sau:
- Tổ chức, cá nhân có kiến nghị về kết quả điều tra bệnh nghề nghiệp; và
- Phục vụ hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan có thẩm quyền.
- Điều tra lần cuối áp dụng đối với trường hợp có kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với kết quả điều tra lại.
Như vậy, không chỉ NLĐ và các cơ quan có thẩm quyền mới có quyền yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp mà pháp luật hiện hành cũng trao cho NSDLĐ quyền yêu cầu tương tự này. Do đó, NSDLĐ, cụ thể là Bộ phận nhân sự, Bộ phận giải quyết các chế độ cho NLĐ khi bệnh nghề nghiệp cần nắm bắt và vận dụng quy định này để đảm bảo vừa chi trả đúng cho NLĐ theo quy định của pháp luật như nêu tại Mục 8.3.3 bên dưới vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Quy trình điều tra
Khi có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp thì tùy từng trường hợp điều tra khác nhau mà các cơ quan ban ngành khác nhau (Giám đốc Sở Y tế hoặc Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế hoặc lãnh đạo Bộ Y tế) sẽ ra quyết định thành lập đoàn điều tra để bắt đầu một cuộc điều tra bệnh nghề nghiệp. Thành phần đoàn điều tra cũng cần có các thành viên khác nhau nhưng trong mọi trường hợp phải có sự tham gia của 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp đang điều tra và 01 bác sĩ chuyên khoa về bệnh nghề nghiệp.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày quyết định thành lập đoàn điều tra có hiệu lực thi hành, đoàn điều tra phải hoàn thành việc điều tra và tổ chức cuộc họp công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp tại cơ sở bị điều tra với các thành viên tham dự bao gồm: (i) các thành viên trong đoàn điều tra; (ii) NSDLĐ hoặc được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản; (iii) đại diện BCHCĐ cơ sở hoặc người được tập thể NLĐ cử làm đại diện khi cơ sở chưa có đủ điều kiện thành lập công đoàn; (iv) người yêu cầu, người làm chứng và người có trách nhiệm, quyền lợi liên quan đến bệnh nghề nghiệp; và (v) đại diện cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở (nếu có).
Tất cả các thành viên tham dự cuộc họp nêu trên phải ký tên và đóng dấu (nếu có) vào biên bản cuộc họp. Nếu không đồng ý với nội dung biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản điều tra. Biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp và biên bản cuộc họp sẽ được gởi tới các cơ quan thuộc thành phần đoàn điều tra, cơ quan BHXH, NSDLĐ và các nạn nhân trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.
Lưu ý rằng, kinh phí phục vụ cho hoạt động sẽ do bên có yêu cầu thành lập đoàn điều tra thực hiện việc chi trả và toàn Bộ hồ sơ điều tra bệnh nghề nghiệp phải được lưu trữ tại doanh nghiệp và các cơ quan của thành viên đoàn điều tra trong thời gian 15 năm.
8.3.3 Giải quyết chế độ cho Người lao động khi bị bệnh nghề nghiệp
Tại nơi mà kết quả khám bệnh nghề nghiệp hoặc kết quả điều tra bệnh nghề nghiệp cho thấy NLĐ bị mắc bệnh nghề nghiệp thì NSDLĐ có trách nhiệm thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu đến khi điều trị ổn định cho NLĐ và chi trả các khoản tiền lương, bồi thường hoặc trợ cấp, BHXH theo các điều kiện và mức hưởng tương tự như giải quyết chế độ TNLĐ được quy định tại Mục 8.2.2 nêu trên.
Nếu sau khi điều trị mà sức khỏe của NLĐ bình phục thì NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận tiếp tục thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ hoặc chấm dứt HĐLĐ đã giao kết theo quy định của pháp luật lao động. Lưu ý rằng, NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trong thời gian mà NLĐ đang điều trị bệnh nghề nghiệp.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi mắc bệnh nghề nghiệp có thể NLĐ phải mất một khoảng thời gian không ngắn để điều trị bệnh và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm nên nhiều NSDLĐ dù không muốn nhưng có lẽ sẽ xem xét đến việc chấm dứt HĐLĐ với những NLĐ này. Với tình huống này, pháp luật lao động chỉ cho phép NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ với NLĐ nếu như NLĐ đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn hoặc đã điều trị quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Hay nói cách khác, nếu thời hạn điều trị bệnh nghề nghiệp của NLĐ chưa hết theo thời hạn nêu trên thì NSDLĐ không được chấm dứt HĐLĐ với NLĐ.