NLĐ Việt Nam được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để làm việc ở nước ngoài. Khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài được quy định tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nói chung, NLĐ được đi làm việc ở nước ngoài theo 01 trong 05 hình thức sau đây: (i) hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; (ii) hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; (iii) hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề; ; (iv) hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; hoặc (v) hợp đồng cá nhân. Trong phạm vi của Quyển Sổ tay này, chỉ có các hình thức (i), (ii) và (iii) được đề cập và phân tích.
9.6.1. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa Người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Theo hình thức này, bên nước ngoài chính là NSDLĐ trực tiếp của NLĐ và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đóng vai trò trung gian, kết nối bên nước ngoài với NLĐ. Lưu ý, hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nên doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong dịch vụ này phải có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Để xác lập các điều kiện, quyền và nghĩa vụ của các bên trong nhóm
quan hệ này, các bên cần ký kết ba loại hợp đồng quan trọng là: (i) Hợp đồng
cung ứng lao động giữa bên nước ngoài và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ
đi làm việc ở nước ngoài; (ii) Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài giữa
NLĐ và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; và
(iii) HĐLĐ giữa NLĐ và bên nước ngoài.
Quan hệ giữa các bên có thể được tóm tắt như sau:
(a) Hợp đồng cung ứng lao động
Bên nước ngoài cần ký kết hợp đồng cung ứng lao động với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để xác lập các điều kiện, nghĩa vụ của các bên trong việc cung ứng và tiếp nhận NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận NLĐ. Để hợp đồng cung ứng lao động có hiệu lực, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải đăng ký với Bộ LĐTBXH. Hợp đồng này chỉ phát sinh hiệu lực sau khi được Bộ LĐTBXH chấp thuận.
Hợp đồng cung ứng lao động bao gồm các nội dung chủ yếu như: thời hạn của hợp đồng; số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; ngành, nghề, công việc phải làm; địa điểm làm việc; điều kiện, môi trường làm việc; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn và bảo hộ lao động; tiền lương, tiền công, các chế độ khác và tiền thưởng (nếu có); tiền làm thêm giờ; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt; chế độ khám bệnh, chữa bệnh; chế độ BHXH; điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trách nhiệm trả chi phí giao thông từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; tiền môi giới (nếu có); trách nhiệm của các bên khi NLĐ bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài; giải quyết tranh chấp; và trách nhiệm giúp đỡ NLĐ gửi tiền về nước. Vui lòng tham khảo mẫu Hợp đồng cung ứng lao động được đính kèm tại Phụ lục D-1, Phần 2, Chương II Quyển Sổ tay này.
(b) Hợp đồng đưa Người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và NLĐ phải ký kết hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để xác lập quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cần có các nội dung cụ thể, phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động. Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải có các thông tin của NSDLĐ mà NLĐ sẽ sang làm việc; điều kiện làm việc, sinh hoạt và chế độ làm việc của NLĐ; nghĩa vụ của DN dịch vụ trong việc làm thủ tục đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và phối hợp với NSDLĐ giải quyết các vấn đề phát sinh khi NLĐ chết, bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; các trường hợp dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng và trách nhiệm của các bên sau khi chấm dứt hợp đồng. Vui lòng tham khảo mẫu Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được đính kèm tại Phụ lục D-2, Phần 2, Chương II Quyển Sổ tay này.
Nếu doanh nghiệp dịch vụ và NLĐ có thỏa thuận về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của NLĐ thì các bên phải ghi nhận rõ ràng trong hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
(i) Tiền môi giới:
Nếu có môi giới, doanh nghiệp dịch vụ phải trả tiền môi giới cho bên môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động.
Doanh nghiệp có thể được hoàn lại một phần hoặc toàn Bộ tiền môi giới từ NLĐ tùy theo thỏa thuận của NLĐ với doanh nghiệp dịch vụ nhưng không được vượt quá mức trần mà Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính quy định tùy từng thời điểm.
Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/NLĐ cho một năm hợp đồng và nếu do yêu cầu của thị trường đòi hỏi mức tiền môi giới cao hơn mức trần quy định thì doanh nghiệp báo cáo Bộ LĐTBXH quyết định cụ thể mức tiền môi giới cho phù hợp sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính. Tiền lương (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương cơ bản theo hợp đồng không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác.
(ii) Tiền dịch vụ:
NLĐ phải trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ để thực hiện hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tùy vào thỏa thuận của các bên, doanh nghiệp dịch vụ sẽ thu tiền dịch vụ một lần trước khi NLĐ xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong thời gian NLĐ làm việc ở nước ngoài. Nếu NLĐ đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của NLĐ thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho NLĐ phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
(iii) Tiền ký quỹ:
Doanh nghiệp dịch vụ có thể thỏa thuận với NLĐ về việc NLĐ sẽ nộp tiền ký quỹ để bảo đảm cho các nghĩa vụ (có thể xảy ra) khi NLĐ vi phạm hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Theo thỏa thuận của các bên, NLĐ có thể trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng được doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại để giữ tiền ký quỹ của NLĐ. Khi thanh lý hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của NLĐ được hoàn trả cả gốc và lãi cho NLĐ. Nếu NLĐ vi phạm hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của NLĐ được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của NLĐ gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì NLĐ phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho NLĐ.
(c) Hợp đồng lao động
NLĐ và bên nước ngoài sẽ cần ký kết HĐLĐ để ghi nhận quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ lao động. HĐLĐ phải có các nội dung cụ thể và phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động và phù hợp với quy định của pháp luật lao động.
9.6.2. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa Người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư ra nước ngoài được đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và phải đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định:
- Được Bộ LĐTBXH cho phép;
- Chỉ được đưa NLĐ đi làm việc tại các công trình, dự án mà doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài hoặc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài;
- Có phương án sử dụng và quản lý NLĐ ở nước ngoài; có phương án tài chính đưa NLĐ về nước trong trường hợp bất khả kháng; và
- Bảo đảm quyền và nghĩa vụ của NLĐ làm việc ở nước ngoài cho doanh nghiệp phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà NLĐ đến làm việc.
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư ra nước ngoài phải gửi báo cáo đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cho Bộ LĐTBXH cùng với các tài liệu chứng minh khác (ví dụ như: Bản sao hợp đồng trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; hoặc giấy chứng nhận đầu tư và tóm tắt nội dung dự án đầu tư ra nước ngoài, và danh sách NLĐ ký hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài) để nhận được chấp thuận của Bộ LĐTBXH.
Doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải có HĐLĐ với NLĐ.
9.6.3. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa Người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề
Về mặt pháp lý, doanh nghiệp được quyền đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Doanh nghiệp phải ký hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với cơ sở thực tập ở nước ngoài (gọi tắt là “Hợp đồng nhận lao động thực tập”).
Hợp đồng nhận lao động thực tập phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận NLĐ thực tập, trong đó có các nội dung chủ yếu như: số lượng NLĐ đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; ngành, nghề thực tập; địa điểm thực tập; điều kiện, môi trường thực tập; thời giờ thực tập, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn và bảo hộ lao động; tiền lương, thu nhập; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt; chế độ khám bệnh, chữa bệnh; chế độ BHXH; điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trách nhiệm trả chi phí giao thông từ Việt Nam đến nơi thực tập và ngược lại; trách nhiệm của các bên nếu NLĐ chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài; trách nhiệm giúp đỡ NLĐ gửi tiền về nước. Doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng với Sở LĐTBXH (nếu thời gian thực tập dưới 90 ngày) hoặc Bộ LĐTBXH (nếu thời gian thực tập từ 90 ngày trở lên);
- Bên cạnh HĐLĐ, doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (gọi tắt là “Hợp đồng đưa NLĐ đi thực tập”) trước khi NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề. Hợp đồng đưa NLĐ phải có nội dung phù hợp với nội dung của hợp đồng nhận lao động thực tập;
- Ngành, nghề NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề phải phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; và
- Doanh nghiệp có tiền ký quỹ tại ngân hàng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp NSDLĐ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong việc đưa NLĐ đi thực tập ở nước ngoài.
Đồng thời, NLĐ cần ký kết hợp đồng thực tập nâng cao tay nghề với cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài để ghi nhận rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong thời gian NLĐ làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng thực tập nâng cao tay nghề cũng phải có các nội dung phù hợp với nội dung của hợp đồng nhận lao động thực tập.
Quan hệ giữa các bên có thể được tóm tắt như sau: