Câu hỏi: Người sử dụng lao động có thể đưa ra mức trần và quy định cùng một mức trần đối với những công việc khác nhau trong thang lương, bảng lương không?

Trả lời:

Pháp luật lao động về tiền lương chỉ quy định về mức lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương cụ thể là mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; và mức mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định[1], ngoài ra pháp luật lao động không có bất kỳ quy định cấm nào đối với việc đặt mức trần trong thang lương, bảng lương. Thêm vào đó, người sử dụng lao động được quyền căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động để xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ[2]. Do đó, người sử dụng lao động có thể đặt mức trần trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp mình.

Đối với việc áp mức trần chung cho từng công việc khác nhau, vấn đề này chưa được pháp luật lao động quy định rõ ràng là người sử dụng lao động có được áp một mức trần lương chung đối với các công việc khác nhau trong thang lương, bảng lương không. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải đảm bảo các mức lương áp dụng cho từng công việc được xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh[3].


[1] Điều 7.3 Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013

[2] Điều 7.1 Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013

[3] Điều 7.2 và 7.3 Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013