Trả lời:
Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động sẽ căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày và giờ[1]. Trong trường hợp người lao động được trả lương theo tháng, thì tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc được xác định trên cơ sở hợp đồng lao động[2]. Lưu ý rằng tiền lương tháng trả cho người lao động không phụ thuộc vào số ngày làm việc bình thường trong tháng nếu người lao động đi làm đủ số ngày công trong tháng. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải trả đủ cho người lao động tiền lương tháng đã thỏa thuận theo HĐLĐ, không phân biệt các tháng trong năm.
Tiền lương theo thời gian được trả cho NLĐ sẽ căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày và giờ[1]. Trong trường hợp NLĐ được trả lương theo tháng, thì tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc được xác định trên cơ sở HĐLĐ[2]. Lưu ý rằng tiền lương tháng trả cho NLĐ không phụ thuộc vào số ngày làm việc bình thường trong tháng nếu NLĐ đi làm đủ số ngày công trong tháng. Trong trường hợp này, NSDLĐ phải trả đủ cho NLĐ tiền lương tháng đã thỏa thuận theo HĐLĐ, không phân biệt các tháng trong năm.
Tuy nhiên, nếu trong tháng nào đó mà NLĐ có xin nghỉ phép không hưởng lương và đã được NSDLĐ đồng ý thì NSDLĐ có thể căn cứ vào cách tính tiền lương ngày theo quy định của pháp luật lao động để xác định tiền lương tháng thực tế sẽ trả cho NLĐ trong tháng đó.
- Cách tính tiền lương ngày
Theo quy định, tiền lương ngày được xác định dựa trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày[3].
Pháp luật lao động hiện nay chưa có hướng dẫn nào cụ thể hơn về cách xác định “số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn”. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: (i) doanh nghiệp có thể quy định một ngày công chuẩn cố định (ví dụ 26 ngày) để áp dụng tính lương ngày đối với tất cả các tháng trong năm cho tất cả NLĐ làm việc tại doanh nghiệp (cả NLĐ khối văn phòng và NLĐ khối sản xuất) không; hay (ii) doanh nghiệp phải tính số ngày làm việc bình thường trong tháng theo từng tháng dương lịch dựa trên thời giờ làm việc mà doanh nghiệp đã lựa chọn[4] và thỏa thuận tại HĐLĐ với NLĐ cũng như quy định tại NQLĐ đã được đăng ký với cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền, miễn là số ngày làm việc được xác định không quá 26 ngày.
Theo ý kiến tư vấn không chính thức từ Sở LĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này, việc xác định số ngày làm việc bình thường trong tháng để tính lương ngày phải được thực hiện theo quan điểm (ii) nói trên. Cụ thể, NSDLĐ phải căn cứ vào thời giờ làm việc của NLĐ được quy định tại HĐLĐ và số ngày dương lịch thực tế của tháng để xác định số ngày làm việc bình thường trong tháng đó. Ví dụ, nếu số ngày làm việc trong tháng là 22 ngày thì tiền lương ngày được xác định là tiền lương tháng trên cơ sở HĐLĐ chia cho 22 ngày. Trong trường hợp số ngày làm việc trong một tháng nào đó là 27 ngày thì tiền lương ngày được xác định là tiền lương tháng trên cơ sở HĐLĐ chia cho 26 ngày. Như vậy, nếu số ngày làm việc trong tháng mà NLĐ có xin nghỉ không hưởng lương được xác định là 27 ngày, NSDLĐ cũng chỉ có thể chia tối đa là 26 ngày làm việc. Tiền lương ngày của NLĐ có thể được xác định theo công thức sau:
Tiền lương ngày cho 01 ngày làm việc | = | Tiền lương tháng (trên cơ sở HĐLĐ) | : | Số ngày làm việc bình thường được xác định theo từng tháng dương lịch và thời giờ làm việc đã thỏa thuận tại HĐLĐ với NLĐ (không quá 26 ngày) |
- Cách tính tiền lương tháng thực trả cho NLĐ trong trường hợp NLĐ và NSDLĐ có thỏa thuận ngày nghỉ không hưởng lương trong tháng
Với cách tính tiền lương ngày như hướng dẫn ở trên, tiền lương tháng thực trả cho NLĐ đối với những tháng được xác định có 27 ngày làm việc sẽ có những sai số khác biệt giữa 02 cách tính: (i) dựa trên cơ sở tiền lương ngày và số ngày làm việc thực tế của NLĐ trong tháng; và (ii) dựa trên cơ sở xác định tiền lương ngày để trừ tiền lương những ngày nghỉ không lương. Với khoảng trống của pháp luật lao động và dựa trên nguyên tắc có lợi cho NLĐ, vấn đề này đã được BLĐTBXH hướng dẫn tại Công văn số 1553/LĐTBXH-LĐLT gửi SLĐTBXH Tỉnh Thanh Hóa vào ngày 09 tháng 5 năm 2016, cụ thể như sau:
- Trường hợp 1: NLĐ có số ngày làm việc thực tế nhiều hơn hoặc bằng ½ số ngày làm việc bình thường trong tháng
Tiền lương thực tế được trả trong tháng | = | Tiền lương tháng (trên cơ sở HĐLĐ) | – | [Tiền lương ngày (tham khảo công thức tính lương ngày tại Mục 1 ở trên) | x | Số ngày nghỉ không hưởng lương trong tháng] |
- Trường hợp 2: NLĐ có số ngày làm việc thực tế trong tháng ít hơn ½ số ngày làm việc bình thường trong tháng
Tiền lương thực tế được trả trong tháng | = | Tiền lương ngày (tham khảo công thức tính lương ngày tại Mục 1 ở trên) | x | Số ngày thực tế đi làm trong tháng |
[1] Điều 94.1 Bộ luật Lao động, Điều 22.1 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015
[2] Điều 22.1 (a) Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015
[3] Điều 4.4 (c) Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/06/2015 sửa đổi bổ sung bởi Điều 14.4 (a) Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015
[4] Điều 104 Bộ luật Lao động quy định: Thời giờ làm việc bình thường theo ngày sẽ không quá 08 giờ/ngày và 48 giờ/tuần; thời giờ làm việc bình thường theo tuần sẽ không quá 10 giờ/ngày và 48 giờ/tuần.