Câu hỏi 213: Trong thời gian đang làm việc cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động ở nhà khỏi phải đi làm (thuật ngữ tiếng Anh là garden leave) và sẽ chỉ đến chỗ làm việc khi người sử dụng lao động có yêu cầu nhưng vẫn được hưởng đầy đủ tiền lương và phúc lợi theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể (nếu có) không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động, trong một số trường hợp thì người sử dụng lao động có thể cho người lao động ngừng việc và trả tiền lương ngừng việc cho người lao động. Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật hướng dẫn không có quy định rõ thời gian ngừng việc tối đa là bao lâu. Tuy nhiên, khi tiến hành cho người lao động ngừng việc theo quy định pháp luật nêu trên, người sử dụng lao động phải chứng minh được yếu tố lỗi của người lao động (ví dụ như làm mất máy tính được cung cấp cần phải thay thế, làm hỏng hệ thống dây chuyền sản xuất…) hoặc của người sử dụng lao động (kinh doanh thua lỗ, server của doanh nghiệp gặp sự cố không thể truy cập…) hoặc các lý do khách quan (sự cố về điện, nước, thiên tai, hỏa hoạn…) mà dẫn đến người lao động phải ngừng việc. Do đó, nếu không chứng minh được các điều kiện để ngừng việc nêu trên, người sử dụng lao động không thể áp dụng quy định tại Điều 98 để buộc người lao động ở nhà khỏi phải đi làm.

Mặt khác, nếu xét về bản chất mối quan hệ lao động là mối quan hệ xã hội song vụ phát sinh từ việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động[1] thì việc sắp xếp công việc của người sử dụng lao động và thực hiện các công việc được giao của người lao độnglà một trong những yếu tố cơ bản hình thành nên mối quan hệ lao động. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, người sử dụng lao động không thể yêu cầu người lao động ở nhà không làm việc trong thời gian người lao động đang thực hiện hợp đồng lao động nếu không có bất kỳ sự kiện nào xảy ra dẫn đến người sử dụng lao động phải cho người lao động ngừng việc theo Điều 98 nói trên. Việc người sử dụng lao động yêu cầu người lao động ở nhà không phải đi làm có thể sẽ bị người lao động phản đối. Bởi lẽ, cần phải nhìn nhận rằng ngoài các khoản tiền lương và phúc lợi được người sử dụng lao động trả, người lao động còn được nhận và tích lũy cho bản thân kinh nghiệm làm việc, các mối quan hệ đồng nghiệp, cộng đồng, xã hội từ mối quan hệ lao động với người sử dụng lao động. Mà theo đó, việc ở nhà không làm việc nhưng được hưởng nguyên lương sẽ không thể đem lại cho người lao động toàn bộ những giá trị và lợi ích đó.


[1] Điều 3.6 Bộ luật Lao động