Trả lời:
Theo quy định của BLLĐ, khi giấy phép lao động hết hạn, NLĐ là người nước ngoài và NSDLĐ không thể tiếp tục giao kết HĐLĐ căn cứ vào thị thực của NLĐ thay cho việc xin gia hạn giấy phép lao động. Có sự khác nhau rất rõ ràng giữa thị thực và giấy phép lao động. Theo đó, thị thực[1] là loại giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chẳng hạn như Cục quản lý xuất nhập cảnh cấp, cho phép người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam. Trong khi đó, giấy phép lao động[2] là văn bản do cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền của Việt Nam cho phép NLĐ là người nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam, trừ các trường hợp mà NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Điều 154 BLLĐ và Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ lao động với NLĐ là người nước ngoài, NSDLĐ phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày trước ngày giấy phép lao động hết hạn, tuy nhiên việc gia hạn chỉ áp dụng cho giấy phép lao động được cấp lần đầu bởi vì quy định của pháp luật chỉ cho phép gia hạn giấy phép lao động một lần với thời hạn tối đa 02 năm[3]. Căn cứ vào giấy phép lao động được gia hạn, NSDLĐ và NLĐ phải giao kết HĐLĐ trước ngày bắt đầu công việc. Nếu không, NSDLĐ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 150.000.000 đồng[4] đối với hành vi sử dụng NLĐ là người nước ngoài không có giấy phép lao động và NLĐ là người nước ngoài sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam[5].
Vì vậy, NSDLĐ phải nộp hồ sơ đề
nghị gia hạn giấy phép lao động trong khoảng thời gian luật định nêu trên thay
vì căn cứ vào thị thực của NLĐ được cấp nếu NSDLĐ có nhu cầu tiếp tục giao kết
HĐLĐ với NLĐ là người nước ngoài.
[1] Điều 3.11 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
[2] Điều 151.1 (d) BLLĐ
[3] Điều 16.1,18.1 và Điều 17 Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2020
[4] Điều 5.1 và 31.4 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/03/2020
[5] Điều 153.2 BLLĐ