Câu hỏi 141. NSDLĐ sẽ xử lý kỷ luật sa thải hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu NLĐ tự ý bỏ việc nhiều ngày liên tiếp mà không có lý do?

Trả lời:

Việc NLĐ tự ý bỏ việc nhiều ngày liên tiếp mà không có lý do sẽ dẫn đến hai hệ quả pháp lý như sau:

1. Nếu NLĐ bị xử lý KLLĐ khi tự ý bỏ việc nhiều ngày liên tiếp không có lý do

Theo quy định của BLLĐ[1],khi NLĐ tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong khoảng thời gian tối đa là 30 ngày hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong khoảng thời gian tối đa 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng thì NSDLĐ có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với NLĐ đó. Các lý do được xem là chính đáng trong trường hợp này bao gồm[2]: (i) do thiên tai, hỏa hoạn mà NLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc; (ii) bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; hoặc (iii) các trường hợp khác được quy định trong NQLĐ của doanh nghiệp. Theo đó, nếu nghỉ việc nhiều ngày làm việc liên tiếp (nhưng không quá 5 ngày) và đã đủ số ngày cộng dồn theo quy tắc ở trên thì NLĐ có thể bị xem xét xử lý KLLĐ như trên.

Khi áp dụng bất kỳ hình thức xử lý KLLĐđối với NLĐ, đặc biệt là đối với hình thức cao nhất là sa thải, NSDLĐ phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước quy trình xử lý KLLĐđược quy định của BLLĐ. Theo đó, trước khi tiến hành cuộc họp xử lý KLLĐ, NSDLĐ phải thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp, họ và tên của người bị xử lý, hành vi vi phạm bị xử lý KLLĐ đến NLĐ đó và tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ đang bị xử lý là thành viên, đảm bảo các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Cuộc họp xử lý KLLĐ sẽ được tiến hành khi có sự tham gia đầy đủ của các thành phần được thông báo. NLĐ và tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở có nghĩa vụ xác nhận tham dự cuộc họp. Nếu có một trong các thành phần ở trên không thể tham dự theo thời gian, địa điểm đã được thông báo thì NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; nếu các bên không thỏa thuận được thì NSDLĐ sẽ được quyền quyết định thời gian, địa điểm họp KLLĐ[3].

2. Trong trường hợp NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ tự ý bỏ việc nhiều ngày liên tiếp

Cũng theo quy định của BLLĐ, NSDLĐ cũng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên theo quy định tại Điều 125.4 BLLĐ [4]. Trong trường hợp này, NSDLĐ cũng không cần phải báo trước cho NLĐ biết về việc chấm dứt HĐLĐ vì không cần thiết [5] nhưng phải ra thông báo bằng văn bản cho NLĐ về việc chấm dứt HĐLĐ[6]. Trên thực tế, nếu NLĐ tự ý bỏ việc nhiều ngày rồi thì NSDLĐ thường sẽ không thể liên lạc được với NLĐ (qua điện thoại, qua địa chỉ chỗ ở ban đầu mà NLĐ đã đăng ký với NSDLĐ khi được tuyển dụng). Thậm chí, sau đó NLĐ cũng có thể sẽ không quay trở lại doanh nghiệp để tiếp tục làm việc hay thực hiện các thủ tục chấm dứt HĐLĐ. Chính vì vậy, việc gửi thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ tự ý bỏ việc nhiều ngày liên tiếp, cụ thể là từ 05 ngày làm việc trở lên mà không có lý do chính đáng thực tế là không mang tính khả thi và tốn thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.


[1] Điều 125.4 BLLĐ

[2] Điều 125.4 BLLĐ

[3] Điều 70.2 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020

[4] Điều 36.1 (e) BLLĐ

[5] Điều 36.3 BLLĐ

[6] Điều 45.1 BLLĐ