Trả lời:
1. Khái niệm “hành vi khác” là những hành vi gì?
BLLĐ chưa có quy định hay giải thích nào rõ ràng về khái niệm: “hành vi khác” được quy định tại Khoản 1, Điều 129 BLLĐ.
Dưới góc độ khoa học pháp lý, trách nhiệm vật chất là trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hại về tài sản do hành vi của NLĐ vi phạm NQLĐ của doanh nghiệp hoặc do NLĐ thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thực hiện nghĩa vụ lao động gây ra. Theo đó, trên thực tế, “hành vi khác” ở đây thường được giải thích là những hành vi của NLĐ (cả do sơ suất hoặc do cố ý) trong quá trình lao động gây ra thiệt hại (làm hư hỏng, suy giảm giá trị sử dụng) tài sản của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do chưa có giải thích rõ ràng về vấn đề này, NSDLĐ nên quy định rõ về các “hành vi khác” trong NQLĐ của doanh nghiệp (bằng cách định nghĩa kết hợp với liệt kê các hành vi cụ thể) để từ đó sẽ có cơ sở vững chắc và thuận lợi khi yêu cầu NLĐ bồi thường.
2. Tài sản ở đây chỉ là những tài sản hữu hình hay bao gồm cả những tài sản vô hình của doanh nghiệp
BLLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định nào xác định tài sản bị thiệt hại của doanh nghiệp là những tài sản nào. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, tài sản ở đây có thể được giải thích theo khái niệm “tài sản” như được quy định trong bộ luật nguồn tức là Bộ luật Dân sự, cụ thể “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, bao gồm bất động sản và động sản, có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”[1]. Điều này có nghĩa rằng khái niệm tài sản được hiểu bao gồm không chỉ có tài sản hữu hình mà còn các tài sản vô hình chẳng hạn như quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Điều 69.2 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rằng NQLĐ của doanh nghiệp sẽ bao gồm những nội dung về danh mục các loại tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ; trách nhiệm, biện pháp được áp dụng để bảo vệ tài sản, bí mật; hành vi xâm phạm tài sản và bí mật.Như vậy, có thể thấy rằng, dưới góc độ pháp luật lao động, tài sản vô hình ví dụ như bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ cũng được xem là tài sản của doanh nghiệp.
Trên thực tế, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường căn cứ vào danh mục các tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ phải bảo vệ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao của NLĐ theo quy định trong NQLĐ của doanh nghiệp làm cơ sở để xem xét hành vi vi phạm của NLĐ có gây ra thiệt hại đối với các loại tài sản mà đã được liệt kê trong NQLĐ của doanh nghiệp không. Do đó, NSDLĐ nên quy định rõ ràng về danh mục các loại tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp phải bảo vệ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao của NLĐ để làm cơ sở cho việc xác định các tài sản thuộc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm vật chất đối với NLĐ.
3. Những hành vi vi phạm khác của NLĐ cũng gây ra thiệt hại vật chất cho doanh nghiệp mà không nằm trong các tình huống được nêu ở trên thì NLĐ phải bồi thường như thế nào?
Quy định về căn cứ bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm vật chất giữa doanh nghiệp và NLĐ chỉ được quy định tại Điều 129 BLLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, đối với các hành vi vi phạm khác của NLĐ mà cũng gây ra thiệt hại vật chất cho doanh nghiệp nhưng lại không nằm trong các tình huống được nêu tại quy định này thì sẽ không thuộc trường hợp NLĐ phải bồi thường thiệt hại trách nhiệm vật chất cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, ngoài mối quan hệ
lao động giữa NSDLĐ và NLĐ là mối quan hệ chính yếu, còn có thể phát sinh rất
nhiều mối quan hệ pháp luật chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật khác
chẳng hạn như mối quan hệ dân sự, mối quan hệ hình sự. Do đó, nếu không thuộc
trường hợp bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm vật chất, NSDLĐ có thể cân nhắc
yêu cầu NLĐ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng căn cứ theo quy định của pháp
luật dân sự, hoặc bồi thường thiệt hại theo các chế tài hình sự, nếu hội đủ các
điều kiện theo quy định.
[1] Điều 105 Bộ luật Dân sự