Bộ luật Lao động quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ trong mối quan hệ lao động, cụ thể là quan hệ thuê mướn, sử dụng, trả lương giữa NSDLĐ và NLĐ, và các mối quan hệ khác có liên quan trực tiếp đến mối quan hệ lao động. Ngoài các mối quan hệ được thiết lập từ HĐLĐ, Bộ luật Lao động còn điều chỉnh các mối quan hệ lao động phát sinh trong quá trình dạy nghề, học nghề, đưa đi đào tạo, quá trình thử việc. Đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chỉ có làm việc dưới hình thức thực hiện HĐLĐ thì hai bên mới giao kết HĐLĐ còn các hình thức làm việc khác (ví dụ như di chuyển trong nội Bộ doanh nghiệp hay để thực hiện hợp đồng kinh tế, thương mại, dịch vụ) thì không yêu cầu phải có HĐLĐ. Nói cách khác, HĐLĐ không phải là yêu cầu bắt buộc trong tất cả các trường hợp.
Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Lao động, HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong mối quan hệ lao động. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, ngoài các mối quan hệ được thiết lập từ HĐLĐ, Bộ luật Lao động còn điều chỉnh các mối quan hệ lao động phát sinh trong quá trình dạy nghề, học nghề, đào tạo nghề. Do đó, căn cứ vào HĐLĐ để xác định mối quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ là chưa đủ mà cần phải xem xét các mối quan hệ lao động khác đã hình thành trước khi ký kết HĐLĐ như hợp đồng thử việc trong quá trình thử việc, hợp đồng đào tạo nghề trong quá trình học nghề, đào tạo nghề. Đó là chưa kể đến việc xác định mối quan hệ lao động trong trường hợp NLĐ là người nước ngoài cũng không thể chỉ dựa vào HĐLĐ. Việc ký kết HĐLĐ với NLĐ nước ngoài đã có giấy phép lao động chỉ áp dụng đối với trường hợp NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức thực hiện HĐLĐ.