6.2. Hình thức trả lương và kỳ hạn trả lương

Việc trả lương có thể được thực hiện bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng. Về việc thanh toán bằng séc, theo quy định của pháp luật ngoại hối hiện hành, séc được định nghĩa là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát trích một số tiền nhất định từ tài khoản thanh toán của mình để thanh toán cho người thụ hưởng[1]. Do đó, séc được xem là một công cụ thanh toán chứ không phải là một phương thức thanh toán. Bên cạnh đó, pháp luật ngoại hối cũng quy định giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch[2]. Với quy định pháp luật như vậy thì séc cũng không được xem là tiền mặt được phép sử dụng khi thanh toán tiền lương cho NLĐ.

Căn cứ vào các hình thức trả lương như được phân tích dưới đây, tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, NSDLĐ có quyền lựa chọn một trong hai hình thức này. Nếu có thay đổi hình thức trả lương, NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ biết trước ít nhất 10 ngày lịch. Khi lựa chọn và thay đổi như vậy, NSDLĐ phải thể hiện trong HĐLĐ hay TƯLĐTT (nếu có).

Lưu ý là NSDLĐ không được hoãn thanh toán tiền lương lần đầu với lý do là NLĐ chưa cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu của NSDLĐ để giao kết HĐLĐ. Như vậy, việc thu thập các thông tin cá nhân chỉ nhằm mục đích giao kết HĐLĐ trong khi theo Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn về nghĩa vụ trả lương của NSDLĐ thì NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn cho NLĐ[3]. Việc chậm trả lương chỉ được xem xét trong một số trường hợp bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn theo thỏa thuận trong HĐLĐ cho NLĐ như sau[4]: – do thiên tai; hỏa hoạn; hoặc lý do bất khả kháng khác. Tuy nhiên, việc chậm trả lương trong các trường hợp nói trên cũng sẽ không được chậm quá 01 tháng và NSDLĐ phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền theo quy định như sau: (i) nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm; hoặc (ii) nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.

6.1.1. Trả lương theo thời gian

Trả lương theo thời gian được căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ hoặc trả lương theo sản phẩm.

(a) Tiền lương tháng

Trả cho một tháng làm việc được xác định trên cơ sở HĐLĐ. Theo đó, NLĐ hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương theo thỏa thuận của các bên và ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.

Chú ý rằng, nếu trong tháng nào đó mà NLĐ có xin nghỉ phép không hưởng lương và đã được NSDLĐ đồng ý thì tiền lương trả cho NLĐ trong tháng đó sẽ được tính trên cơ sở tiền lương tháng theo HĐLĐ trừ đi tiền lương của tổng số ngày nghỉ không hưởng lương đã thỏa thuận. Trong đó, tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc sẽ được xác định dựa trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày[5]. Theo đó, số ngày làm việc bình thường trong tháng sẽ được xác định căn cứ vào thời giờ làm việc (theo giờ, ngày hoặc tuần) mà NSDLĐ đã quy định trong NQLĐ được đăng ký với cơ quan lao động địa phương có thẩm quyền. Cụ thể, thời giờ làm việc bình thường theo ngày sẽ không quá 08 giờ/ngày và 48 giờ/tuần; thời giờ làm việc bình thường theo tuần sẽ không quá 10 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Như vậy, trong trường hợp số ngày làm việc bình thường trong thực tế của tháng mà NLĐ xin nghỉ không hưởng lương ví dụ là 27 ngày, thì NSDLĐ cũng không thể tính tiền lương ngày trên cơ sở lấy tiền lương tháng chia cho 27 ngày làm việc mà chỉ có thể chia tối đa là 26 ngày làm việc.

(b) Tiền lương tuần

Được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần.

(c) Tiền lương ngày

Được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày.

(d) Tiền lương giờ

Được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày.

NLĐ hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

6.1.2. Trả lương theo sản phẩm

NLĐ hưởng lương theo sản phẩm căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.

6.1.3. Trả lương khoán

NLĐ được hưởng lương khoán căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

6.1.4 Nguyên tắc trả lương

NLĐ được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn như quy định.

Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà NSDLLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận thì không được trả chậm dưới 15 ngày lịch và khi đó sẽ không phải trả thêm tiền lãi. Tuy nhiên, nếu NSDLĐ trả lương chậm từ 15 ngày lịch trở lên thì NSDLĐ phải trả thêm một khoản tiền cho NLĐ ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.


[1] Điều 3.1 Thông tư 22/2015/TT-NHNN ngày 20/11/2015.

[2] Điều 3.9 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 và Điều 1.1 Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012

[3] Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 24.1 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015.

[4] Điều 24.2 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015.

[5] Điều 4.4 (c) Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/06/2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 14.4 (a) Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015.