Khi NLĐ nam đủ 60 tuổi và NLĐ nữ đủ 55 tuổi mà vẫn tiếp tục làm việc thì NLĐ lúc này được xem là NLĐ cao tuổi và sẽ được hưởng các quyền lợi dành riêng cho NLĐ cao tuổi. Theo đó, NLĐ cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu (tức NLĐ nam đủ 60 tuổi và và NLĐ nữ đủ 55 tuổi và đã đủ thời gian đóng BHXH theo quy định), NLĐ cao tuổi có thể được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường mỗi ngày ít nhất 01 giờ hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Tuy nhiên, đối với những NLĐ cao tuổi mà vẫn tiếp tục giao kết HĐLĐ với NSDLĐ, thì Bộ luật Lao động cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan chưa có điều khoản nào hướng dẫn cụ thể hơn. Như vậy, pháp luật lao động hiện nay chỉ quy định chung mà chưa có quy định nào rõ ràng về thời gian làm việc mà NSDLĐ phải rút ngắn cho NLĐ cao tuổi trong trường hợp này. Do đó, có thể diễn giải rằng NSDLĐ có thể thỏa thuận với NLĐ cao tuổi về vấn đề thời giờ làm việc khi giao kết HĐLĐ. Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc đảm bảo những thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ được quy định trong Bộ luật Lao động, NSDLĐ nên đảm bảo thời gian làm việc rút ngắn ít nhất 01 giờ cho NLĐ tiếp tục làm việc sau khi NLĐ nam đủ 60 tuổi và NLĐ nữ đủ 55 tuổi. Trong trường hợp NSDLĐ không còn nhu cầu sử dụng NLĐ cao tuổi hoặc NLĐ cao tuổi không có đủ sức khỏe để thực hiện công việc thì các bên có thể thỏa thuận bằng văn bản về việc chấm dứt HĐLĐ. Lưu ý rằng, NSDLĐ không được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ cao tuổi trong trường hợp này (trừ khi có các căn cứ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ như nêu trên), và cũng không được chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ cao tuổi nếu NLĐ chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH. Lưu ý, NLĐ cao tuổi chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu vì chưa thỏa mãn điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật[1] nên các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định vẫn phải đóng theo quy định.
Khi NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu (đủ 20 năm đóng BHXH và NLĐ Nam đủ 60 tuổi và và NLĐ nữ đủ 55 tuổi), về mặt pháp lý, HĐLĐ này sẽ tự động chấm dứt hiệu lực. Nếu NSDLĐ có nhu cầu tiếp tục sử dụng NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu đó và với điều kiện NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe để thực hiện công việc thì có thể thỏa thuận NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu kéo dài thời hạn HĐLĐ (đối với HĐLĐ xác định thời hạn) hoặc giao kết HĐLĐ mới (đối với HĐLĐ không xác định thời hạn) theo quy định. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động chưa có quy định nào rõ thêm về loại HĐLĐ mà NSDLĐ được quyền ký kết với NLĐ cao tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu trong trường hợp này. Tuy nhiên, do NLĐ cao tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu có thể không luôn luôn đáp ứng được điều kiện sức khỏe để làm việc cho một loại công việc mà không biết được thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc và phải luôn đảm bảo xuyên suốt là có đủ sức khỏe để làm việc và việc này chỉ được chứng minh qua giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền tại từng thời điểm và thông thường, giấy khám sức khỏe theo quy định chỉ có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe[2] cho nên khi có nhu cầu sử dụng NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu, NSDLĐ nên cân nhắc giao kết với NLĐ HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn tối đa không quá 12 tháng cho từng lần để đảm bảo điều kiện về sức khỏe của NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưutheo quy định. Khi hết thời hạn 12 tháng, nếu NLĐ vẫn đảm bảo sức khỏe làm việc theo giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền thì NSDLĐ có thể tiếp tục kéo dài thời hạn HĐLĐ với thời hạn 12 tháng tiếp theo.
Trong quá trình NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu làm việc cho NSDLĐ, ngoài quyền lợi mà họ đang hưởng theo chế độ hưu trí, NLĐ vẫn được hưởng quyền lợi đã thỏa thuận theo HĐLĐ. Ngoài ra, vì NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nên ngoài việc trả lương theo công việc, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền cho NLĐ tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định. Khi HĐLĐ với NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu chấm dứt mà NSDLĐ đã chi trả khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ cho toàn Bộ thời gian mà NLĐ cao tuổi đã làm việc thực tế cho NSDLĐ thì NSDLĐ không phải trả trợ cấp thôi việc nữa.
Đối với việc đóng lệ phí Công đoàn, quy định của pháp luật không có sự phân biệt giữa đoàn viên ở các BCHCĐ cơ sở là NLĐ cao tuổi/NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu hay NLĐ trong độ tuổi lao động bình thường. Do đó, về nguyên tắc nếu NLĐ là đoàn viên thuộc công đoàn cơ sở doanh nghiệp thì đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, TTNCN của đoàn viên), nhưng mức đóng đoàn phí[3] hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
NSDLĐ
không được sử dụng NLĐ cao tuổi/NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu để làm các
công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe NLĐ cao
tuổi/NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu, trừ các lĩnh vực đặc thù mà các cơ quan
chuyên môn cho phép NLĐ cao tuổi/NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu làm các công
việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng phải đáp ứng các điều kiện cụ thể do
cơ quan chuyên môn quy định, bao gồm các điều kiện dưới đây: (i) NLĐ cao tuổi/NLĐ
đủ điều kiện hưởng lương hưu có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề
nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được
công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật; (ii) NLĐ cao tuổi/NLĐ đủ điều
kiện hưởng lương hưu có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban
hành đối với nghề, công việc; (iii) Sử dụng NLĐ làm việc không quá 05 năm đối với
từng NLĐ; (iv) Phải khám sức khỏe định kỳ ít nhất 02 lần trong một năm; hoặc
(v) Có ít nhất 01 NLĐ không phải là NLĐ cao tuổi/NLĐ đủ điều kiện hưởng lương
hưu cùng làm việc.
[1]Điều 187.1 Bộ luật Lao động.
[2]Điều 8.3 (a) Thông tư 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2014.
[3]Điều 23.2 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016.