Câu hỏi 119. NSDLĐ có tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tập thể NLĐ nhưng có một số NLĐ lại không đồng ý tham gia thực hiện một số hạng mục trong danh sách khám bệnh (bao gồm việc chụp X-quang và lấy máu xét nghiệm) vì sợ chụp X-quang nhiều sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như NLĐ sợ phải lấy máu. NSDLĐ nên ứng xử như thế nào trong trường hợp này để phù hợp với quy định của pháp luật?

Trả lời:

Từ khi Bộ luật Lao động 2019 đã có hiệu lực thi hành, nội dung quy định về nghĩa vụ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ của NSDLĐ đã không còn được quy định nữa. Tuy nhiên, điều này không loại trừ nghĩa vụ tổ chức khám sức khỏe định kỳ của NSDLĐ, bởi vì nội dung này lại được quy định cụ thể tại Điều 21.1 Luật An toàn, VSLĐ. Theo đó, NSDLĐ phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ ít nhất 01 năm 01 lần; đối với NLĐ nào làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi thì sẽ được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần[1]. Như vậy, có thể thấy rằng, Bộ luật Lao động chỉ quy định NSDLĐ có nghĩa vụ phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ mà không quy định nghĩa vụ của NLĐ phải “bắt buộc” tham gia khám sức khỏe do NSDLĐ tổ chức. 

Khi tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, NSDLĐ cần đảm bảo rằng NLĐ được khám theo các nội dung được ghi trong sổ khám sức khỏe định kỳ theo quy định, trong đó có các nội dung như sau[2]:

Hạng mục Nội dung khám
Khám thể lực Đo chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI, mạch, huyết áp, nhịp thở…
Khám lâm sàng Nội khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu.
Khám cận lâm sàng Xét nghiệm huyết học/sinh hóa/X.quang và các xét nghiệm khác khi có chỉ định của bác sỹ

Trong trường hợp này, NLĐ không từ chối hẳn việc tham gia khám sức khỏe định kỳ mà chỉ từ chối tham gia khám ở 02 hạng mục là chụp X quang và lấy máu xét nghiệm trong danh mục khám cận lâm sàng vì lý do “sợ lấy máu và sợ chụp X quang ảnh hưởng đến sức khỏe” thì pháp luật lao động chưa quy định cách xử lý như thế nào. Tuy nhiên, việc tham gia khám sức khỏe định kỳ được xem là quyền lợi của NLĐ khi làm việc cho doanh nghiệp, cho nên hành vi từ chối việc tham gia chụp X-quang và lấy máu xét nghiệm của NLĐ có thể được xem như NLĐ đã từ chối nhận quyền lợi của mình và sẽ không bị xem là vi phạm pháp luật cho dù lý do mà NLĐ đưa ra có phù hợp hay không.

Tuy nhiên, việc NLĐ từ chối tham gia khám sức khỏe định kỳ hay từ chối việc tham gia chụp X-quang và lấy máu xét nghiệm sẽ không loại trừ nghĩa vụ phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ của doanh nghiệp. Nếu NSDLĐ không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ thì doanh nghiệp có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi NLĐ nhưng tối đa sẽ không quá 150.000.000 đồng, trừ trường hợp NSDLĐ đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ nhưng NLĐ không muốn khám[3]. Như vậy, đối với tình huống này, NSDLĐ vẫn phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ và nếu NLĐ nào từ chối khám thì doanh nghiệp sẽ được loại trừ trách nhiệm của mình. Để tránh rủi ro phát sinh về sau cho doanh nghiệp, khi tổ chức khám sức khỏe định kỳ, NSDLĐ nên lập một danh sách NLĐ và có ghi nhận bằng chữ ký của NLĐ về việc khám/không khám/khám có giới hạn từng hạng mục.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, đối với một vài loại công việc mà có gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà Bộ luật Lao động có quy định NLĐ nào làm công việc đó phải được khám sức khỏe để bảo đảm sức khỏe thì doanh nghiệp mới có thể hoạt động kinh doanh được mà NLĐ từ chối khám thì NLĐ có thể được xem là không tuân theo mệnh lệnh của cấp trên và có thể bị NSDLĐ xử lý vi phạm KLLĐ theo NQLĐ của doanh nghiệp.


[1] Điều 21.1 Luật An toàn, VSLĐ

[2] Điều 6.3 và Phụ lục 3 Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 06/05/2013

[3] Điều 5.1 và 21.2 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/03/2020.