Câu hỏi 216. Hợp đồng làm việc khác với HĐLĐ như thế nào theo quy định của BLLĐ và Luật Viên chức?

    Hợp đồng lao động Hợp đồng làm việc
Định nghĩa HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong mối quan hệ lao động.[1] Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.[2]
Định nghĩa (tt) HĐLĐ và Hợp đồng làm việc đều được xem là hình thức pháp lý nhằm xác lập mối quan hệ lao động của các bên chủ thể trong hợp đồng, chứa đựng các nội dung của hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận. Cụ thể, HĐLĐ quy định chủ thể là NSDLĐ và NLĐ trong khi Hợp đồng làm việc được áp dụng đối với chủ thể là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người được tuyển dụng làm viên chức.

Tuy nhiên, HĐLĐ được pháp luật quy định ở phạm vi rộng hơn Hợp đồng làm việc vì Hợp đồng làm việc hướng đến một bên chủ thể là người đứng đầu trong đơn vị sự nghiệp công lập hay còn được biết đến là các cơ quan Nhà nước và một bên là người làm việc đang mong muốn được tuyển dụng làm viên chức. Ngoài ra, một đặc điểm mà HĐLĐ được xem xét bao hàm rộng hơn là vì nếu các bên thỏa thuận với nhau bằng một tên gọi khác nhưng lại có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được xem là HĐLĐ. Phạm vi rộng mà pháp luật đề cập ở đây chính là việc dù cho hình thức tên gọi của hợp đồng có tồn tại dưới bất kỳ thể loại, dạng, tên gọi nào nhưng lại đáp ứng các điều kiện luật định về nội dung được thể hiện “việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên” thì chúng đều được xem là HĐLĐ. Tuy nhiên, HĐLĐ với phạm vi rộng nhưng không chứa đựng Hợp đồng làm việc vì tính chất đặc thù và mục đích của hai loại hợp đồng này là hoàn toàn khác nhau.

Như vậy, HĐLĐ hay Hợp đồng làm việc đều có giá trị hình thức pháp lý nhất định và vì thế mọi quan hệ pháp luật quy định của hai loại hợp đồng nêu trên sẽ có các quyền và nghĩa vụ ràng buộc tương ứng đối với từng chủ thể để các bên tuân thủ và thực hiện.

Nội dung hợp đồng lao động Nhìn chung, HĐLĐ và Hợp đồng làm việc đều có những nội dung cơ bản mà pháp luật quy định phải có chẳng hạn như:

a) Tên, địa chỉ của NSDLĐ hay đơn vị sự nghiệp công lập và họ và tên, chức danh của người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ hay người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Họ và tên, ngày tháng năm sinh của người giao kết HĐLĐ bên phía NLĐ hay người được tuyển dụng. Tuy nhiên, HĐLĐ còn yêu cầu NLĐ phải cung cấp thêm các thông tin khác chẳng hạn như giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

c) Công việc và địa điểm làm việc. Hợp đồng làm việc cần ghi nhận rõ nhiệm vụ, vị trí việc làm của người được tuyển dụng;

d) Thời hạn của hợp đồng là một trong các nội dung giúp xác định loại hợp đồng nói chung. Bên cạnh đó, Hợp đồng làm việc còn yêu cầu các nội dung có liên quan đến loại hợp đồng và điều kiện chấm dứt của Hợp đồng làm việc;

đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trong HĐLĐ và Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có) đối với Hợp đồng làm việc;

e) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong HĐLĐ và thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi đối với Hợp đồng làm việc;

g) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên đối với bảo hiểm thất nghiệp thì chỉ đươc áp dụng đối với HĐLĐ và không được quy định trong Hợp đồng làm việc. Bởi lẽ, viên chức làm việc theo Hợp đồng làm việc theo biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên họ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, cũng có một số viên chức làm việc theo HĐLĐ nên trong trường hợp này doanh nghiệp cần lưu ý về việc điều chỉnh HĐLĐ đối với viên chức để họ có thể được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

h) Trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ trong HĐLĐ tương ứng với nội dung điều kiện làm việc và các vấn đề có liên quan đến bảo hộ lao động trong Hợp đồng làm việc;

Ngoài các quy định cơ bản có nội dung tương tự nhau nêu trên, HĐLĐ cần quy định thêm về các nội dung cơ bản khác[3] chẳng hạn như chế độ nâng bậc, nâng lương; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; và trong trường hợp NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thì NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm; hoặc đối với một số lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì HĐLĐ có thể gia, giảm một số nội dung cơ bản nêu trên để đáp ứng với điều kiện thực tế.

Đối với Hợp đồng làm việc cần quy định về[4] chế độ tập sự (nếu có); hiệu lực của hợp đồng làm việc; và Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Hình thức hợp đồng lao động Nhìn chung cả hai hình thức hợp đồng đều có quy định về việc lập thành văn bản cụ thể tại Điều 14 BLLĐ 2019; HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, NLĐ giữ 01 bản, NSDLĐ giữ 01 bản; và Điều 26 Luật Viên chức 2010, Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người được tuyển dụng làm viên chức và được lập thành ba bản, trong đó một bản giao cho viên chức.

Tuy nhiên, HĐLĐ còn cho phép các bên xác lập mối quan hệ lao động dưới hình thức là lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng và thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản.

Loại hợp đồng lao động Theo Điều 20.1 BLLĐ 2019 quy định HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó các bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

b) HĐLĐ xác định thời hạn là loại hợp đồng mà trong đó các bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Theo Điều 2.2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 sửa đổi Điều 25 Luật viên chức 2010 như sau:

a) Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó các bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

+ Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;

+ Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm theo quy định của pháp luật.

+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

b) Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp là cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm theo quy định của pháp luật hoặc người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Chủ thể giao kết Theo Điều 3.1 BLLĐ 2019, NLĐ là người làm việc cho NSDLĐ theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành và giám sát của NSDLĐ.

Độ tuổi lao động tối thiểu của NLĐ là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp pháp luật cho phép giao kết đối với NLĐ chưa thành niên[5]

Đối với NSDLĐ được quy định tại Điều 3.2 BLLĐ 2019, NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng NLĐ làm việc cho mình theo thỏa thuận; nếu NSDLĐ là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Điều 25 Luật Viên chức 2010 ghi nhận các chủ thể là viên chức hoặc người trúng tuyển vào viên chức; hoặc cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.

Nếu người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì phải có họ và tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của người được tuyển dụng.[6]và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

 

[1] Điều 13 Bộ luật Lao động 2019

[2] khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức 2010

[3] Điều 21 Bộ luật Lao động 2019

[4] Điều 26 Luật Viên chức 2010.

[5] Mục 1 Chương XI Bộ luật Lao động 2019

[6] Điều 26 Luật Viên chức 2010

 

Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!