Việc xem xét xử lý kỷ luật lao động đối với viên chức theo hợp đồng làm việc sẽ theo quy định của pháp luật dành riêng cho nhóm đối tượng là Viên chức và theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Khi viên chức có một trong hành vi vi phạm tùy theo mức độ và quy định trong Nghị định xử phạt thì có thể bị xem xét áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng của hai nhóm cụ thể như sau:
- Áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; hoặc c) Buộc thôi việc; và
- Áp dụng đối với viên chức quản lý: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Cách chức hoặc d) Buộc thôi việc.
Hình thức kỷ luật khiển trách sẽ áp dụng đối với những hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm mà theo quy định phải áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với viên chức.
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức được chia thành hai nhóm là viên chức và viên chức quản lý.
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức.
Ngoài các hình thức kỷ luật lao động nêu trên, viên chức còn có thể bị hạn chế thực hiện các hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối tượng viên chức được quy định và chịu sự ràng buộc của pháp luật riêng nhưng trên nguyên tắc vẫn phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ khi chấm dứt hợp đồng làm việc. Cụ thể, viên chức vẫn sẽ được thanh toán và hưởng các khoản trợ cấp tương ứng theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Viên chức làm việc theo thời hạn của hợp đồng làm việc và là đối tượng tham gia của các loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm: BHXH (Điều 2 Luật BHXH), BHYT (Điều 6.1 Luật BHYT), và BHTN (Điều 43.1 Luật Việc Làm). Điều 45 Luật Viên chức 2010 (sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định Viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ BHTN theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng NSDLĐ không giao kết tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc do ốm đau, bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục (báo trước ít nhất 03 ngày) hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo các trường hợp được quy định tại Điều 29.5 của Luật Viên Chức, bao gồm: i) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; ii) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc; iii) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động; iv) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; v) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh; vi) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
Tuy nhiên, theo Điều 45.2 Luật Viên Chức thì Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: i) Bị buộc thôi việc; ii) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định thông báo trước tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật Viên Chức; và iii) Chấm dứt hợp đồng làm việc khi có quyết định nghỉ hưu.
Như vậy, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có nghĩa vụ thanh toán cho NLĐ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho viên chức đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên theo quy định tại các Điều 46 và 47 của BLLĐ. Cho nên, thời gian tính trợ cấp thôi việc hay trợ cấp mất việc là là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế trừ đi khoảng thời gian viên chức đã tham gia BHTN, và thời gian làm việc đã được đơn vị chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!