Câu hỏi 223. HĐLĐ bị vô hiệu hoàn toàn do được ký bởi người không có thẩm quyền thì sẽ được giải quyết như thế nào? Cần làm gì nếu phải ký lại HĐLĐ mới nhưng một trong các bên không đồng ý?

Một HĐLĐ sẽ vô hiệu hoàn toàn khi: (i) toàn bộ nội dung của hợp đồng vi phạm pháp luật; (ii) người giao kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết HĐLĐ quy định tại khoản 1, Điều 15 BLLĐ; (iii) công việc đã giao kết trong HĐLĐ là công việc mà pháp luật cấm. Nếu một phần của HĐLĐ vi phạm quy định của pháp luật nhưng lại không ảnh hưởng đến các phần còn lại của HĐLĐ thì chỉ phần đó của HĐLĐ là vô hiệu, phần còn lại vẫn tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

Khi một HĐLĐ bị Tòa án tuyên vô hiệu, Thẩm phán phụ trách sẽ ra quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu và trong quyết định này, Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên bố HĐLĐ vô hiệu. Đối với những trường hợp vô hiệu khác nhau sẽ có cách giải quyết khác nhau, cụ thể như sau:

(1)     Đối với trường hợp HĐLĐ vô hiệu một phần: Các bên sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung phần HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu cho phù hợp với quy định của pháp luật và TƯLĐTT của doanh nghiệp. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong thời gian từ khi NLĐ bắt đầu làm việc theo HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu từng phần cho đến khi HĐLĐ được sửa đổi, bổ sung sẽ được giải quyết theo TƯLĐTT của NSDLĐ đang áp dụng, trong trường hợp không có TƯLĐTT thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.

(2)     Đối với HĐLĐ vô hiệu toàn phần do ký sai thẩm quyền: các bên phải tiến hành ký lại HĐLĐ cho đúng với quy định của pháp luật. Nếu quyền và lợi ích của mỗi bên trong HĐLĐ không thấp hơn quy định của pháp luật và TƯLĐTT của NSDLĐ đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của NLĐ sẽ được thực hiện theo nội dung HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu. Nếu nội dung về quyền và lợi ích của các bên không ảnh hưởng đến các nội dung khác của HĐLĐ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của NLĐ sẽ được thực hiện như trường hợp (1).

(3)     Đối với HĐLĐ vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của HĐLĐ vi phạm pháp luật hoặc các công việc đã giao kết trong HĐLĐ là các công việc mà pháp luật cấm: Các bên sẽ tiến hành giao kết HĐLĐ mới sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của NLĐ kể từ khi bắt đầu làm việc theo HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt HĐLĐ sẽ được thực hiện như trường hợp (2).

Quyền ra quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu thuộc về Tòa án – là cơ quan duy nhất được trao thẩm quyền này. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Tòa án có thẩm quyền ban hành quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, các bên sẽ có quyền kháng cáo. Hết thời hạn nêu trên mà không có bên nào kháng cáo thì quyết định của Tòa án sẽ có hiệu lực pháp luật và có giá trị thi hành. Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức và cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Do đó, khi một trong hai bên không kháng cáo nhưng lại đồng ý sửa đổi HĐLĐ, ký lại hoặc giao kết HĐLĐ mới theo quyết định mà Tòa án đã ban hành thì bên còn lại sẽ có quyền nộp đơn yêu cầu đến cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để yêu cầu hỗ trợ thi hành quyết định của Tòa án.

Tuy nhiên, trong trường hợp quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng các bên cùng đồng thuận không muốn sửa đổi nội dung hoặc ký lại hay giao kết HĐLĐ mới thì các bên có thể thỏa thuận ghi nhận sự việc này bằng văn bản và thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Thủ trưởng của cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Khi đó, các bên sẽ thực hiện việc chấm dứt HĐLĐ và quyền, nghĩa vụ và lợi ích của NLĐ kể từ thời điểm bắt đầu làm việc theo HĐLĐ bị tuyên vô hiệu sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, đồng thời NSDLĐ sẽ phải giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho NLĐ theo luật định.

Như vậy, HĐLĐ được giao kết bởi cá nhân hay tổ chức không đúng thẩm quyền sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu. NSDLĐ và NLĐ có thể bàn bạc, thương lượng để quyết định việc có ký lại HĐLĐ hay không. Nếu một trong các bên không đồng ý thực hiện ký lại HĐLĐ thì bên còn lại có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan Thi hành án tiến hành làm việc để đảm bảo thực hiện quyết định của Tòa án.

 

Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!