Theo quy định của BLLĐ 2019, sau khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ có nghĩa vụ thông báo kết quả thử việc cho NLĐ. Nếu việc thử việc đạt yêu cầu thì NSDLĐ sẽ tiếp tục thực hiện theo HĐLĐ đã giao kết nếu thỏa thuận về nội dung thử việc được ghi luôn trong HĐLĐ hoặc phải giao kết HĐLĐ mới với NLĐ nếu các bên chỉ giao kết hợp đồng thử việc[1]. Như vậy, sau khi kết thúc thời gian thử việc thì dù cho NSDLĐ có thông báo cho NLĐ về kết quả thử việc đã đạt yêu cầu hoặc không có thông báo vì bất kỳ lý do gì, và NLĐ vẫn tiếp tục làm việc theo hợp đồng thử việc mà NSDLĐ không có bất kỳ sự phản đối nào, thì NLĐ sẽ đương nhiên trở thành NLĐ chính thức theo mối quan hệ lao động của HĐLĐ. Tuy nhiên, nếu hợp đồng thử việc không ghi nhận rõ sau khi thử việc kết thúc là HĐLĐ xác định thời hạn hay HĐLĐ không xác định thời hạn, thì các bên sẽ không có đủ cơ sở pháp lý để xác lập mối quan hệ lao động. Bởi lẻ, thời hạn hợp đồng là nội dung cơ bản mà pháp luật quy định phải có trong HĐLĐ[2]. Vì vậy, vấn đề cần làm rõ là trong trường hợp này thì sẽ xem xét lại ý chí của các bên để đánh giá liệu NSDLĐ và NLĐ có mong muốn tiếp tục mối quan hệ lao động nêu trên hay không và xác lập thời hạn hợp đồng ra sao để từ đó có cơ sở pháp lý để xác định loại hợp đồng là HĐLĐ xác định thời hạn hoặc HĐLĐ không xác định thời hạn. Trong trường hợp một trong các bên không mong muốn tiếp tục xác lập tiếp tục thì các bên sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ để chấm dứt đối với hợp đồng thử việc đã giao kết.
Cũng cần lưu ý, quy định của pháp luật không có quy định nào về thời hạn bắt buộc giao kết HĐLĐ sau khi kết thúc thử việc, cũng như loại HĐLĐ phải giao kết mà do các bên tự thỏa thuận tùy thuộc vào tính chất của công việc và nhu cầu của nhau. NSDLĐ sẽ có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo kết quả thử việc cho NLĐ theo quy định[3]; và NSDLĐ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không giao kết HĐLĐ với NLĐ khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp các bên có giao kết hợp đồng thử việc[4].
[1] Điều 27.1, Bộ luật Lao động 2019
[2] Điều 21.1 (d) Bộ luật Lao động 2019
[3] Điều 10.1 (b) Nghị định 12/2022/NĐ-CP
[4] Điều 10.2 (d), Nghị định 12/2022/NĐ-CP
Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!