Câu hỏi 237. NLĐ tự ý nghỉ việc 05 ngày liên tục hoặc không liên tục không có lý do chính đáng thì NSDLĐ sẽ đơn phương chấm dứt HĐLĐ hay xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải?

NLĐ tự ý nghỉ việc 05 ngày mà không có lý do chính đáng có thể xảy ra một trong các trường hơp sau đây:

  1. NLĐ tự ý nghỉ việc 05 ngày liên tục không có lý do

Trường hợp này có thể có dẫn đến hai hệ quả pháp lý đó là: (i) NLĐ có thể bị xử lý kỷ luật sa thải; hoặc (ii) NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Cụ thể:

  1. NLĐ bị xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải

Theo quy định của BLLĐ, khi NLĐ tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong khoảng thời gian tối đa là 30 ngày hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong khoảng thời gian tối đa 365 ngày kể từ ngày NLĐ đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng thì NSDLĐ có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải đối với NLĐ đó.[1] Các lí do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động của doanh nghiệp.

Khi áp dụng bất kỳ hình thức xử lý KLLĐ nào, đặc biệt là đối với hình thức cao nhất là sa thải, NSDLĐ phải tuân thủ nghiêm ngặp các bước trong quy trình xử lý KLLĐ được quy định của pháp luật về lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp.

  1. NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ

Cũng theo quy định của pháp luật về lao động, NSDLĐ cũng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng trong 05 ngày làm việc liên tục trở lên [2] Trong trường hợp này, NSDLĐ không phải báo trước cho NLĐ biết về việc chấm dứt HĐLĐ vì không cần thiết[3] nhưng phải ra thông báo bằng văn bản cho NLĐ về việc chấm dứt HĐLĐ.[4] Tuy nhiên, trên thực tế, nếu NLĐ đã tự ý bỏ việc nhiều ngày thì NSDLĐ sẽ khó có thể liên lạc được với NLĐ qua điện thoại, địa chỉ chỗ ở của NLĐ, v.v…. Chính vì vậy, việc gửi thông báo trong trường hợp này thường không có tính khả thi và gây tốn kém cho NSDLĐ, nên NSDLĐ có thể cân nhắc lựa chọn phương án giải quyết hợp lý để tránh rủi ro về mặt pháp lý sau này.

  1. NLĐ tự ý nghỉ việc 05 ngày không liên tục không có lý do

Nếu NLĐ tự ý nghỉ việc không liên tục nhiều ngày nhưng cộng dồn là 05 ngày làm việc trong thời gian tối đa là 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tự ý nghỉ việc không có lý do, NSDLĐ có thể xem xét xử lý KLLĐ đối với NLĐ tương tự như trường hợp 1.(i) nêu trên.

Nếu NLĐ tự ý nghỉ không liên tục nhưng chưa quá 05 ngày trong thời gian tối đa là 30 ngày hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong thời gian tối đa 365 ngày kể từ ngày bắt đầu tự ý nghỉ việc không có lý do, trường hợp này chưa đủ căn cứ pháp lý để NSDLĐ có thể áp dụng xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ đó. NSDLĐ có thể xem xét áp dụng hình thức xử lý KLLĐ khác nếu hành vi tự ý nghỉ việc được quy định trong NQLĐ của doanh nghiệp.

[1] Điều 125.4, Bộ luật Lao động 2019

[2] Điều 36.1.(e) Bộ luật Lao động 2019

[3] Điều 36.3, Bộ luật Lao động 2019

[4] Điều 45.1, Bộ luật Lao động 2019

 

Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!