Câu hỏi 238. Khi giao kết HĐLĐ với người cao tuổi thì doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề gì?

NLĐ cao tuổi là đối tượng lao động khá đặc biệt nên khi các tổ chức hay doanh nghiệp giao kết HĐLĐ với họ thì cần chú ý các quy định của quy định của pháp luật có liên quan đến việc sử dụng các đối tượng này. Dưới đây là một số lưu ý khi các doanh nghiệp sử dụng và ký kết HĐLĐ với NLĐ cao tuổi:

Thứ nhất, loại HĐLĐ mà NSDLĐ có thể được ký kết với NLĐ cao tuổi

Theo BLLĐ 2019, NSDLĐ có thể giao kết HĐLĐ với NLĐ theo một trong hai loại HĐLĐ đó là: (i) HĐLĐ không xác định thời hạn; và (ii) HĐLĐ xác định thời hạn. Căn cứ quy định nêu trên, thông thường khi HĐLĐ xác định thời hạn giữa NSDLĐ và NLĐ hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì các bên sẽ phải ký kết HĐLĐ mới. Nếu ký kết HĐLĐ xác định thời hạn thì các bên chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì các bên phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Tuy nhiên, đối với NLĐ cao tuổi thì các bên có thể thỏa thuận ký HĐLĐ có thời hạn nhiều lần hoặc ký HĐLĐ không xác định thời hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các bên. Như vậy, khi sử dụng NLĐ cao tuổi, NSDLĐ có thể thỏa thuận ký HĐLĐ có thời hạn nhiều lần hoặc ký HĐLĐ không xác định thời hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các bên.

Thứ hai, thời gian làm việc của NLĐ cao tuổi

Vì đây là những đối tượng lao động khá đặc biệt nên pháp luật về lao động cũng quy định những điều khoản thuận lợi hơn cho NLĐ cao tuổi. Trước đây, NLĐ cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Tuy nhiên, theo BLLĐ 2019, thay vì được áp dụng rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc chế độ làm việc không trọn thời gian, NLĐ cao tuổi được quyền thỏa thuận với NSDLĐ để được áp dụng một trong hai cách trên. Theo đó, NLĐ cao tuổi có quyền thỏa thuận với NSDLĐ về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày (vẫn được hưởng nguyên lương) hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian (chỉ được trả tiền lương cho thời gian làm việc thực tế). Như vậy, có thể hiểu rằng đây là quyền (chứ không phải quyền đương nhiên) của NLĐ cao tuổi, đồng thời đây cũng không phải là nghĩa vụ đương nhiên của NSDLĐ và nếu NLĐ có yêu cầu thì NSDLĐ phải đáp ứng việc thương lượng và ngược lại nếu như NLĐ không có yêu cầu thỏa thuận rút ngắn thời giờ làm việc thì NSDLĐ vẫn có thể tiếp tục áp dụng thời giờ làm việc bình thường cho NLĐ cao tuổi đó. Hiện nay, pháp luật về lao động chưa có hướng dẫn cách giải quyết trong trường hợp việc thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ không thành do các bên không thể xác định được số giờ rút ngắn là bao nhiêu cho hợp lý và việc rút ngắn đó sẽ được xem là rút ngắn thời giờ làm việc được hưởng nguyên lương hay áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian mà chỉ được trả tiền lương cho thời gian làm việc thực tế. Trong trường hợp như vậy, có thể suy luận rằng NLĐ cao tuổi buộc phải tiếp tục làm việc như bình thường theo quy định trong HĐLĐ, NQLĐ và TƯLĐTT của doanh nghiệp hay yêu cầu tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (nếu có) hỗ trợ NLĐ cao tuổi tham gia thương lượng với NSDLĐ hay có thể khiếu nại lên các cơ quan quản lý về lao động có thẩm quyền.

Thứ ba, các trường hợp không được ký kết HĐLĐ với NLĐ cao tuổi.

Pháp luật về lao động khuyến khích sử dụng NLĐ cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động, đồng thời, doanh nghiệp không được sử dụng NLĐ cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại. Pháp luật về lao động quy định NSDLĐ không được sử dụng NLĐ cao tuổi làm những nghề hay công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của NLĐ cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định Nhà nước không cấm việc sử dụng NLĐ cao tuổi làm các công việc nặng nhọc. Theo đó, để được sử dụng NLĐ cao tuổi làm những công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thì NLĐ cao tuổi phải có đủ các điều kiện về: (i) kinh nghiệm, với thâm niên nghề nghiệp; (ii) có tay nghề cao, có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề và có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Ngoài những điều kiện mà NLĐ cao tuổi phải đáp ứng khi làm các công việc nặng nhọc, NSDLĐ cũng có những ràng buộc nhất định, như NSDLĐ chỉ được sử dụng NLĐ cao tuổi không quá 5 năm; phải bố trí ít nhất 01 NLĐ không phải là NLĐ cao tuổi cùng làm với NLĐ cao tuổi khi triển khai công việc tại một nơi làm việc và phải có đơn của NLĐ cao tuổi về sự tự nguyện làm việc để NSDLĐ xem xét trước khi ký HĐLĐ. Như vậy, doanh nghiệp thường sẽ không được thuê NLĐ cao tuổi để làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người đó trừ trường hợp có thể đảm bảo các điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật về lao động. Nếu NSDLĐ không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn mà vẫn yêu cầu NLĐ cao tuổi làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng.

Thứ tư, doanh nghiệp đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ cao tuổi

Căn cứ để xác định doanh nghiệp có phải đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ cao tuổi hay không sẽ tùy thuộc vào việc NLĐ cao tuổi đã hưởng lương hưu hay chưa. Theo quy định của pháp luật về lao động, NLĐ hưởng lương hưu phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau đây: (i) NLĐ đã đạt độ tuổi nghỉ hưu theo quy định; và (ii) NLĐ đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên. Như vậy, NLĐ khi thỏa mãn đầy đủ 02 điều kiện nêu trên thì mới được xem là NLĐ được hưởng lương hưu. Doanh nghiệp cần lưu ý NLĐ cao tuổi làm việc tại doanh nghiệp của mình có thuộc trường hợp hưởng lương hưu hay không để từ đó xác định được việc đóng BHXH bắt buộc cho họ. Theo đó, có hai trường hợp có thể xảy ra như sau:

Trường hợp 1: NLĐ cao tuổi đang hưởng lương hưu

Như đã phân tích ở trên, NLĐ cao tuổi đang hưởng lương hưu hàng tháng phải đạt độ tuổi nghỉ hưu theo quy định và đã đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm trở lên. Theo Luật BHXH năm 2014 quy định người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết HĐLĐ thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, nếu NLĐ cao tuổi đang hưởng lương hưu thì doanh nghiệp sẽ không phải đóng BHXH bắt buộc cho họ.

Tuy nhiên theo BLLĐ 2019, nếu NLĐ cao tuổi đang hưởng lương hưu mà làm việc theo HĐLĐ thì ngoài chế độ hưu trí, NLĐ cao tuổi còn được được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động và HĐLĐ. Đồng thời, BLLĐ cũng quy định NSDLĐ thay vì đóng các loại bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp phải trả thêm cho NLĐ khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc. Như vậy, NSDLĐ không phải đóng BHXH cho NLĐ cao tuổi đang hưởng lương hưu nhưng phải trả cho NLĐ một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho những NLĐ bình thường khác.

Trường hợp 2: NLĐ cao tuổi chưa hưởng lương hưu

NLĐ cao tuổi chưa hưởng lương hưu được hiểu là những người không đáp ứng được điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về bảo hiểm. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định NLĐ ký HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, nếu NLĐ cao tuổi chưa hưởng lương hưu hằng tháng mà đang làm việc theo HĐLĐ từ đủ 01 tháng trở lên thì NSDLĐ vẫn có trách nhiệm đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho họ.

Doanh nghiệp cần lưu ý rằng đối với NLĐ cao tuổi là người nước ngoài đang hưởng lương hưu tại quốc gia mà họ là công dân thì sẽ không đương nhiên được xem là đã hội đủ điều kiện để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!