Câu hỏi: Khi được người sử dụng lao động cấp ô tô để sử dụng riêng, người lao động có phải chịu thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền mà người sử dụng lao động đã mua ô tô đó không?

Trả lời:

Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người lao động được hưởng dưới mọi hình thức đều được xem là thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo quy chế của doanh nghiệp[1].

Như vậy, có thể hiểu rằng nếu người sử dụng lao động có phát sinh khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động (dù là cho tập thể hay cá nhân) từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì khoản chi này sẽ không được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động kể cả khi chỉ để đưa đón một cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, để hiểu đúng là khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại không phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động cần lưu ý thêm hai vấn đề sau:

  • Mục đích của việc trang bị phương tiện đưa đón người lao động là để phục vụ cho công việc của doanh nghiệp, nên chỉ dựa trên lộ trình từ nơi ở đến nơi làm việc, và ngược lại. Vì vậy, nếu người sử dụng lao động cho phép người lao động được dùng xe doanh nghiệp vào việc cá nhân và được người sử dụng lao động chi trả luôn những khoản chi phí phát sinh như tiền xăng xe, thuê tài xế, tiền phí cầu đường, tiền bảo dưỡng…, thì các khoản chi về phương tiện để phục vụ ngoài công việc này sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Do đó, để cho rõ ràng, người sử dụng lao động nên quy định cụ thể trong quy chế sử dụng xe của doanh nghiệp hoặc thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động ký với người lao động được cấp xe; và

Tiền mua xe ban đầu không tính vào thu nhập chịu thuế thuế thu nhập cá nhân cho người lao động vì xe là thuộc sở hữu của doanh nghiệp và tiền mua xe là để tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp. Do đó, khi xác định có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân hay không thì chỉ dựa vào các chi phí như tiền xăng xe, thuê tài xế, tiền phí cầu đường, tiền bảo dưỡng…, chứ không gộp vào chi phí mua xe ban đầu.


[1] Điều 2.2 (đ) Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 và Điều 11.4 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013