Trả lời:
Bộ luật Dân sự quy định, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: (i) được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan; (ii) có cơ quan điều hành và các cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân; (iii) có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; và (iv) nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập[1]. Như vậy, mặc dù các công ty con trực thuộc cùng một tập đoàn nhưng các công ty vẫn được xem là những pháp nhân độc lập và cũng là những người sử dụng lao động độc lập nếu xét dưới góc độ pháp luật lao động[2]. Trên cơ sở đó, nếu một người lao động cùng làm việc cho các doanh nghiệp này thì mỗi doanh nghiệp phải ký kết riêng rẽ từng hợp đồng lao động với người lao động. Trong trường hợp một trong các doanh nghiệp không giao kết hợp đồng lao động với người lao động thì sẽ bị xem là vi phạm pháp luật lao động và sẽ có thể phải chịu một khoản tiền phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động[3].
Liên quan đến vấn đề quyết toán thuế thu nhập cá nhân, pháp luật về thuế hiện hành quy định cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau đây[4]:
- Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm;
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này; và
- Cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp. Cuối năm, người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.
Như vậy, đối chiếu với những trường hợp được ủy quyền quyết toán thuế nêu trên thì trong trường hợp này người lao động có thu nhập từ nhiều tổ chức trả thu nhập sẽ không thể ủy quyền quyết toán thuế được mà phải tự thực hiện nghĩa vụ quyết toán thuế của mình tại cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền.
[1] Điều 74.1 Bộ luật Dân sự
[2] Điều 3.2 Bộ luật Lao động
[3] Điều 3 và Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ–CP ngày 22/08/2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015
[4] Điều 16.2 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 và Điều 21.3 Thông tư 92/2015 TT-BTC ngày 15/06/2015