Câu hỏi: Cơ quan thuế có quyền thanh tra thuế đối với những năm trước mà đã quá thời hạn 05 năm kể từ thời điểm cơ quan thuế không thực hiện việc thanh tra thuế tại doanh nghiệp không?

Trả lời:

Hiện nay, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực thuế chưa có quy định nào rõ ràng giải thích hoặc hướng dẫn về khoảng thời gian mà cơ quan thuế bị hạn chế khi tiến hành kiểm tra, thanh tra tại doanh nghiệp. Theo đó, Luật Quản lý thuế chỉ có quy định trình tự khi cơ quan thuế tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với người nộp thuế nhưng không có quy định nào hạn chế việc ra quyết định hoặc thẩm định của cơ quan thuế trong một kỳ hạn nhất định. Vì vậy, về nguyên tắc, cơ quan thuế địa phương có thể thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế vào bất cứ lúc nào đối với người nộp thuế miễn là có thông báo trước hợp lý.

Mặt khác, khi xem xét về thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế, Luật Quản lý thuế có quy định đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn, thời hiệu xử phạt là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm[1]. Quy định này hướng dẫn cho trường hợp cơ quan thuế chỉ được quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp (bao gồm hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn) nếu hành vi vi phạm đó vẫn còn trong thời hiệu xử phạt vi hành chính (05 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm). Trường hợp hết thời hiệu xử phạt, cơ quan thuế sẽ không có thẩm quyền áp dụng mức phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế nêu trên. Quy định này cũng không hạn chế quyền kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp tại bất kỳ giai đoạn nào.

Ngoài ra, kể cả khi thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế đã hết thì người nộp thuế mặc dù không bị xử phạt hành chính theo quy định nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước được tính trong thời hạn 10 năm trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm[2]. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.


[1] Điều 110.2 Luật Quản lý thuế

[2] Điều 110.3 Luật Quản lý thuế