Trả lời:
1. Khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ có phải chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ trong khoảng thời gian doanh nghiệp không đóng BHTN không?
Trước tiên, cần làm rõ hai khái niệm:
“Trợ cấp thất nghiệp” là khoản tiền do cơ quan BHXH có thẩm quyền chi trả cho bất kỳ NLĐ nào có đủ điều kiện được hưởng khi chấm dứt HĐLĐ[1].
“Trợ cấp thôi việc” là khoản tiền mà NSDLĐ phải chi trả cho bất kỳ NLĐ nào có đủ điều kiện được hưởng khi chấm dứt HĐLĐ [2].
Như vậy khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ thì NSDLĐ không có nghĩa vụ chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ. Thay vào đó, khi chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ nào có tham gia đóng BHTN thì NLĐ đó sẽ được quỹ BHTN chi trả trợ cấp thất nghiệp. Đối với khoảng thời gian không tham gia BHTN, NLĐ sẽ được hưởng một khoản trợ cấp thôi việc do NSDLĐ chi trả nếu NLĐ đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng theo quy định của pháp luật.
2. Mức lương làm căn cứ để chi trả trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc.
Đối với trợ cấp thôi việc thì mỗi năm làm việc (với điều kiện là NLĐ đã làm việc cho doanh nghiệp đủ 12 tháng trở lên) NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp một nửa tháng tiền lương, nếu có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng thì được tính bằng nửa năm làm việc; trên 06 tháng thì được tính bằng 01 năm làm việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của NLĐ theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc[3].
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng sẽ được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ nào thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ nào đóng BHTN theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc[4].
[1] Điều 49 Luật Việc làm
[2] Điều 46.1 BLLĐvà Điều 8.1 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020
[3] Điều 46.1 và 46.3 BLLĐ và Điều 8.3 (c) Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020
[4] Điều 50.1 Luật Việc làm
Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!