BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM ——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 2157/BHXH-TST V/v khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 |
Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2021 |
Kính gửi: | – Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. |
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thời gian qua các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả nhất định, nhất là việc xây dựng quy trình, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong nội bộ; sớm hoàn thành việc gửi thông báo về số tiền có được (khoảng 4.322 tỷ đồng) do giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến 375 ngàn đơn vị, với 11,238 triệu lao động, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, hỗ trợ người lao động phòng, chống dịch Covid-19. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các đơn vị và BHXH các tỉnh, thành phố đã đạt được trong thời gian qua. Để tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giảm bớt khó khăn, cùng chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội vừa phòng, chống dịch hiệu quả, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:
- Đối với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1.1. Quán triệt công chức, viên chức, người lao động tuân thủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp và người lao động, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cần tập trung ưu tiên thực hiện của toàn Ngành trong giai đoạn hiện nay.
1.2. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan thẩm quyền giải quyết các vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi nhất cho người lao động và doanh nghiệp.
1.3. Phân công công chức, viên chức, người lao động theo dõi, nắm bắt, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, sớm lập hồ sơ để được giải quyết việc tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định. Tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần.
1.4. Phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết các thủ tục liên quan theo quy định. Khi nhận được quyết định về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chuyển ngay kinh phí để doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhằm duy trì việc làm bền vững của đơn vị, doanh nghiệp.
1.5. Kịp thời thực hiện xác nhận các Danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (Mẫu số 05); Danh sách người lao động ngừng việc (Mẫu số 06); Danh sách lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và Danh sách người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (Mẫu số 13a, Mẫu số 13b, Mẫu số 13c) theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để đơn vị, doanh nghiệp, người lao động có đủ hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm ổn định đời sống, hoặc vay vốn để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.
1.6. Tuân thủ chế độ thông tin, báo cáo với BHXH Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố theo quy định.
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam
2.1. Trung tâm Công nghệ thông tin: Kịp thời hoàn thiện các chức năng trên phần mềm (nếu phát sinh) đáp ứng ngay việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và công tác quản lý, tổng hợp, thống kê, báo cáo theo quy định.
2.1. Trung tâm Truyền thông, Tạp chí BHXH: Xây dựng nội dung, chương trình để thông tin đầy đủ kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH.
2.3. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng: Tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của người lao động và doanh nghiệp trong việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
2.4. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp hướng dẫn, đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và người sử dụng lao động.
2.5. Giao Ban Quản lý Thu – Sổ, Thẻ làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Tổng Giám đốc và các Bộ, ngành liên quan.
Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo BHXH Việt Nam (qua Ban Quản lý Thu – Sổ, Thẻ) để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐCTrần Đình Liệu |