Câu hỏi 40. Nếu tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở không đồng ý với nội dung tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ để làm cơ sở cho việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ thì tiêu chí đánh giá đó có được xem là hợp lệ không? Nếu tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đồng ý với nội dung tiêu chí đó thì có rủi ro pháp lý gì cho NSDLĐ nếu tiêu chí đó lại bị các cơ quan quản lý lao động hoặc Tòa án có thẩm quyền không đồng tình khi có phát sinh tranh chấp lao động?

Trả lời:

Theo quy định của BLLĐ, quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc sẽ do NSDLĐ ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở[1], tức là CĐCS hoặc tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp[2]. Tuy nhiên, BLLĐ chưa có quy định cụ thể là phải được sự đồng ý hay tán thành của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ thì quy chế đó mới được NSDLĐ chính thức ban hành và có giá trị pháp lý. Do đó, về mặt nguyên tắc, có thể hiểu rằng, quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chỉ cần được tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở xem xét, cho ý kiến như là một cách thể hiện sự công khai, minh bạch nhưng trong mọi trường hợp không buộc phải có sự tán thành hay đồng ý của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với quy chế đánh giá đó.

Dù vậy, vẫn có quan điểm (và quan điểm này thường được các Tòa án giải quyết tranh chấp lao động vận dụng) cho rằng “ý kiến” ở đây phải được hiểu là “sự đồng ý” của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Nếu không, quy chế đó chỉ mang tính hình thức và có thể không hợp lý và gây khó khăn cho NLĐ. 

Ngay cả khi tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đã hoàn toàn đồng ý với quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NSDLĐ thì điều này chỉ được xem là một điểm thuận lợi cho NSDLĐ trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động mà NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì lý do NLĐ không hoàn thành công việc chứ không bảo đảm rằng Tòa án có thẩm quyền sẽ luôn đồng tình với nội dung của quy chế đánh giá đó. Bởi lẽ, khi giải quyết tranh chấp lao động, ngoài các quy định của pháp luật có liên quan, Tòa án có thẩm quyền còn phải xem xét đến các yếu tố khác có liên quan ví dụ như tính hợp lý của nội dung quy chế tại từng thời điểm. Ví dụ: NSDLĐ không thể đặt chỉ tiêu doanh số cho NLĐ bán sản phẩm dùng trong mùa mưa bằng với chỉ tiêu doanh số sản phẩm bán ra tại thời điểm mùa nắng.

Dù vậy, sự đồng ý hoặc nhất trí của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của NLĐ chắc chắn tạo ra sự thuận lợi hơn cho NSDLĐ trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động nếu so sánh với ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là “không đồng ý” hoặc “không có ý kiến” hoặc ghi ý kiến chung chung như: “NSDLĐ cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.”

Cũng cần lưu ý thêm rằng để tăng “sức nặng” cho ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, NSDLĐ phải đảm bảo có đầy đủ ý kiến của tất cả các thành viên trong tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở tại thời điểm tham khảo ý kiến và các thành viên trong tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở phải là các thành viên đang trong nhiệm kỳ của mình. Nếu các thành viên không thể đưa ra ý kiến và ký tên vào biên bản cuộc họp một cách trực tiếp vì nhiều lý do khác nhau chẳng hạn như đang đi công tác, đang làm việc ở các văn phòng ở các Tỉnh, Thành phố khác nhau… thì có thể cùng ủy quyền cho một người nào đó trong tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (ví dụ như Chủ tịch công đoàn) để đưa ra ý kiến chung đối với quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do NSDLĐ ban hành. Việc ủy quyền nói trên phải là ủy quyền hợp lệ và tuân theo đúng quy định của pháp luật dân sự về ủy quyền.


[1] Điều 36.1 (a) BLLĐ

[2] Điều 3.3 BLLĐ