Câu hỏi 164. Trong một vụ án về đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, nếu thông qua Tòa án, NLĐ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu, giấy tờ có liên quan được dịch công chứng ra tiếng Việt cũng như yêu cầu Tòa án cấm xuất cảnh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong thời gian giải quyết vụ án, nếu Tòa án ra quyết định không chấp thuận yêu cầu của NLĐ thì NLĐ có phải bồi thường cho doanh nghiệp chi phí dịch thuật công chứng và thiệt hại khi người đại diện theo pháp luật không thể điều hành hoạt động kinh doanh không? Nếu phải bồi thường thì sẽ bồi thường theo mức nào?

Trả lời:

1. Về chi phí dịch thuật công chứng

Các đương sự giao nộp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp[1]. Do đó, trách nhiệm giao nộp chứng cứ cho Tòa án kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp là thuộc về doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, khi yêu cầu của NLĐ không được Tòa án chấp nhận, NLĐ cũng chỉ phải chịu án phí chứ không chịu chi phí của tiền dịch thuật như trong trường hợp này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp (là bị đơn trong vụ án) cũng có quyền phản tố đối với yêu cầu của nguyên đơn[2]. Đối với các yêu cầu phản tố, thì bị đơn có quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn. Khi đó, chi phí dịch thuật cũng có thể được xem là thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp đã phải gánh chịu do các yêu cầu không có cơ sở của NLĐ. Doanh nghiệp sẽ có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của mình trong trường hợp này.

Như vậy, về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp sẽ không có cơ sở để đòi NLĐ bồi thường khi doanh nghiệp phát sinh các chi phí dịch thuật công chứng các tài liệu, chứng cứ, trừ trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu phản tố đối với các yêu cầu của NLĐ và có các tài liệu chứng minh được thiệt hại của doanh nghiệp do yêu cầu của NLĐ gây ra.

2. Về việc NSDLĐ bị cấm xuất cảnh:

NLĐ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp[3]. Tuy nhiên, trên thực tế thì các yêu cầu này ít khi được Tòa án có thẩm quyền chấp nhận trừ khi NLĐ có căn cứ rõ ràng cho thấy rằng việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của người này sẽ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án[4].

Nếu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định rằng việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ là không sai luật và việc NLĐ yêu cầu áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là không đúng thì NLĐ phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự[5]. Theo đó, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần[6].


[1] Điều 96.3 Bộ luật Tố tụng Dân sự

[2] Điều 72 Bộ luật Tố tụng Dân sự

[3] Điều 111.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự

[4] Điều 128 Bộ luật Tố tụng Dân sự

[5] Điều 113.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự

[6] Điều 585 Bộ luật Dân sự