Câu hỏi 115. NLĐ phải cung cấp thông tin về điều kiện sức khỏe và chịu các chi phí kiểm tra sức khỏe trước khi giao kết HĐLĐ với NSDLĐ không? Nếu phải như vậy, liệu có mâu thuẫn gì với quy định về việc tổ chức, cá nhân có đề nghị khám sức khỏe phải chịu chi phí khám sức khỏe?

Trả lời:

1. NLĐ có phải cung cấp thông tin về điều kiện sức khỏe trước khi giao kết HĐLĐ với NSDLĐ không?

Trước đây theo quy định tại BLLĐ 2012, khi NSDLĐ có yêu cầu, NLĐ phải cung cấp cho NSDLĐ thông tin về điều kiện sức khỏe của NLĐ trước khi giao kết HĐLĐ. Tuy nhiên, khi BLLĐ 2019 có hiệu lực, trên tinh thần vẫn giữ các nội dung ở trên nhưng luật lại không dùng từ “trước khi giao kết HĐLĐ” mà là “khi giao kết HĐLĐ”[1]. Do đó, có thể hiểu rằng nghĩa vụ cung cấp thông tin của NLĐ được đặt ra khi NSDLĐ có yêu cầu chứ không nhất thiết phải là trước khi giao kết HĐLĐ. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý thêm rằng, thông tin về điều kiện sức khỏe của NLĐ phải được cung cấp dưới hình thức giấy chứng nhận sức khỏe theo mẫu quy định của Bộ Y tế.

2. Bên nào sẽ là bên chịu chi phí kiểm tra sức khỏe trước khi NLĐ giao kết HĐLĐ với NSDLĐ?

Theo quy định của pháp luật, tổ chức hay cá nhân nào có đề nghị khám sức khỏe thì phải trả chi phí khám sức khỏe cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền[2]. Như đã phân tích ở trên, do NLĐ có nghĩa vụ phải cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe của NLĐ cho NSDLĐ nên NLĐ sẽ chính là bên đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khám sức khỏe cho nên có thể hiểu rằng chi phí khám sức khỏe để dự tuyển lao động sẽ thuộc về trách nhiệm của NLĐ.

3. Nghĩa vụ cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe và chịu chi phí khám sức khỏe của NLĐ có mâu thuẫn gì với quy định về trách nhiệm chịu chi phí khám sức khỏe của tổ chức, cá nhân có đề nghị khám sức khỏe?

Xem xét phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế thì Thông tư này không chỉ điều chỉnh các trường hợp khám sức khỏe khi tuyển dụng mà còn điều chỉnh các trường hợp khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ[3]. Theo đó, NSDLĐ phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ ít nhất 01 năm 01 lần, đối với NLĐ nào làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng 01 lần[4]. Vì vậy, không chỉ NLĐ mà NSDLĐ, nếu tổ chức khám sức khỏe định kỳ, cũng sẽ là một bên có đề nghị khám sức khỏe và do đó sẽ phải thanh toán các chi phí khám sức khỏe cho NLĐ. Do đó có thể thấy rằng, nghĩa vụ cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe và chịu chi phí khám sức khỏe của NLĐ theo quy định của BLLĐ hoàn toàn không có mâu thuẫn gì với quy định về trách nhiệm chịu chi phí khám sức khỏe của tổ chức, cá nhân có đề nghị khám sức khỏe tại Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế.


[1] Điều 16 BLLĐ

[2] Điều 3.1 Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 06/5/2013

[3] Điều 1.2 (a) Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 06/5/2013

[4] Điều 21.1 Luật An toàn, VSLĐ