Trả lời:
1. NSDLĐ có bắt buộc phải thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên không?
An toàn, vệ sinh viên là NLĐ trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, VSLĐ; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, VSLĐ và được NLĐ trong tổ bầu ra[1].
Theo đó, Luật An toàn, VSLĐ quy định mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Mạng lưới an toàn, vệ sinh viên sẽ do NSDLĐ ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành CĐCS nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thành lập Ban chấp hành CĐCS [2]. Tuy nhiên, theo quy định của BLLĐ, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở ngoài CĐCS còn có tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp. Vì vậy, NSDLĐ nên tham khảo thêm ý kiến của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có thành lập) ngoài yêu cầu bắt buộc phải thống nhất ý kiến với Ban chấp hành CĐCS.
Ngoài ra, theo quy định trên, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở đây được hiểu là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh[3]. Như vậy, đối tượng mà pháp luật bắt buộc phải thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có phân chia tổ sản xuất, còn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, không có hoạt động sản xuất thì sẽ không bắt buộc phải thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.
2. Phụ cấp trách nhiệm cho an toàn, vệ sinh viên
Căn cứ quy định của Luật An toàn, VSLĐ, một trong các quyền của an toàn, vệ sinh viên là được dành một phần thời gian làm việc theo HĐLĐ để thực hiện các nhiệm vụ của an toàn, vệ sinh viên nhưng vẫn được NSDLĐ trả lương cho thời gian thực hiện nhiệm vụ và được hưởng phụ cấp trách nhiệm. Mức phụ cấp trách nhiệm do NSDLĐ và Ban chấp hành CĐCS thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên[4]. Ngoài quy định trên, Luật An toàn VSLĐ cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan không có quy định cụ thể nào đối với mức phụ cấp trách nhiệm trả cho an toàn, vệ sinh viên. Do đó, về nguyên tắc, mức phụ cấp trách nhiệm sẽ do NSDLĐ và Ban chấp hành CĐCS tự thỏa thuận và quyết định.
Về mặt TTNCN, trong các khoản phụ cấp, trợ cấp không phải chịu TTNCN theo quy định tại Điều 3.2(b) Luật TTNCN và Điều 3.2(b) Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ không có đề cập đến khoản phụ cấp trách nhiệm cho an toàn, vệ sinh viên. Do đó, khoản phụ cấp trách nhiệm cho an toàn, vệ sinh viên có thể sẽ được xem là thu nhập từ tiền lương, tiền công của NLĐ và là đối tượng chịu TTNCN.
Về mặt TTNDN, khoản tiền lương, tiền công và các khoản
phụ cấp phải trả cho NLĐ được xem là những khoản chi thực tế gắn với hoạt động
sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp[5]. Do đó, NSDLĐ
sẽ được phép trừ những khoản này khi xác định thu nhập chịu thuế[6]. Tuy
nhiên, nếu các khoản này đã được NSDLĐ hạch toán vào chi phí sản xuất kinh
doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán chứng
minh cho việc chi trả đó thì sẽ không được phép trừ khi xác định thu nhập chịu
thuế[7].
[1] Điều 74.2 Luật An toàn, VSLĐ
[2] Điều 74.1 Luật An toàn, VSLĐ
[3] Điều 3.1 Luật An toàn, VSLĐ
[4] Điều 74.5 (b) Luật An toàn, VSLĐ
[5] Điều 9.1 (a) Luật TTNDN
[6] Điều 9.1 (a) Luật TTNDN
[7] Điều 9.2 (i) Luật TTNDN