(Luật sư Lê Thị Minh Châu và Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners)
Ở thời đại thế giới phẳng như hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam (“DN”) có nhu cầu cử người lao động của mình (“NLĐ”) đi công tác ở nước ngoài để đàm phán, giao kết hoặc thực hiện hợp đồng kinh tế với đối tác, khách hàng… Đối với các DN có vốn nước ngoài hoặc các tập đoàn đa quốc gia, các chương trình “di chuyển nội bộ”, đưa NLĐ từ Việt Nam đi tu nghiệp, đào tạo tại công ty mẹ hay các công ty con khác trong cùng tập đoàn ở nước ngoài lại càng diễn ra thường xuyên hơn. Đối với những ngành, nghề đặc thù mà đòi hỏi NLĐ phải có thời gian được đào tạo chuyên môn đặc biệt hoặc để bảo vệ bí mật kinh doanh của DN, việc yêu cầu NLĐ đi công tác dài ngày ở nước ngoài cũng là một nhu cầu cần thiết của DN.
Bên cạnh việc DN phải tuân thủ các quy định chung tại Bộ Luật lao động 2019 có liên quan đến vấn đề này, một khung pháp lý khác không kém phần quan trọng mà DN cũng phải tuân thủ mà ít người chú ý đó là Luật NLĐ Việt Nam Đi Làm Việc Ở Nước Ngoài Theo Hợp Đồng số 72/2006/QH11 (sau đây gọi là “Luật số 72”). Đối tượng điều chỉnh của Luật số 72 không chỉ bao gồm các DN “xuất khẩu lao động” – tức là các DN kinh doanh dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, mà còn được mở rộng phạm vi ra các DN dân doanh khác mà có cử NLĐ đi công tác, làm việc, đào tạo tại nước ngoài.
Thực tiễn áp dụng
Qua thời gian gần 13 năm áp dụng, các quy định của Luật số 72 đã cho thấy có nhiều bất cập cần phải được điều chỉnh và đó là lý do Luật số 72 sẽ được thay thế bởi Luật Người Lao Động Việt Nam Đi Làm Việc Ở Nước Ngoài Theo Hợp Đồng số 69/2020/QH14 (sau đây gọi tắt là “Luật số 69”), được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Theo Luật số 72, DN phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký, báo cáo đến cơ quan quản lý lao động trước và sau khi NLĐ xuất cảnh cùng với báo cáo định kỳ về tình hình NLĐ làm việc ở nước ngoài khi DN đưa NLĐ đi công tác, làm việc, đào tạo tại nước ngoài. Tuy đã có quy định pháp lý cụ thể, trên thực tế đa số các DN lại thường xuyên không thực hiện nghĩa vụ báo cáo này khi đưa NLĐ đi đi công tác, làm việc, đào tạo tại nước ngoài[1]. Việc không báo cáo dẫn đến tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tại Việt Nam cũng như cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã không có thông tin gì về NLĐ để có thể thực hiện công tác bảo vệ công dân hiệu quả khi có sự việc xảy ra chẳng hạn như NLĐ vi phạm pháp luật của nước sở tại, tranh chấp lao động với người sử dụng lao động nước ngoài hay thậm chí đó có thể là thiên tai, địch họa cần phải sơ tán khẩn cấp NLĐ về nước. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 cho đến nay đã dẫn đến việc NLĐ của Việt Nam đang công tác và làm việc ở nước ngoài đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Luật số 69 được dự báo là sẽ được thực thi một cách chặt chẽ hơn so với Luật số 72.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có khả năng sẽ sớm được Chính phủ các nước kiểm soát trong năm 2022, các DN tại Việt Nam cần phải cập nhật các quy định của Luật số 69 để có thể tuân thủ một cách chặt chẽ hơn yêu cầu của pháp luật khi đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Từ đó, việc cập nhật và phổ cập sớm khung pháp lý về vấn đề này sẽ giúp cho DN không bị động, thích nghi kịp thời khi việc di chuyển giữa các nước dần dần được mở cửa, nhu cầu giao thương, hợp tác về kinh tế và nguồn nhân lực được kết nối trở lại.
Sau đây là phân tích chung các điểm thay đổi chủ yếu của Luật số 69 mà có liên quan đến DN. Phần lớn các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật này là nhằm ràng buộc thêm nghĩa vụ của DN khi đưa NLĐ ra nước ngoài công tác, đào tạo, làm việc. Trong đó, nổi bật nhất có thể nói đến chính là nghĩa vụ của DN trong các trường hợp bất khả kháng (chẳng hạn như chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai…) khi NLĐ đang được cử đi công tác, làm việc, đào tạo tại nước ngoài.
Gia tăng trách nhiệm của DN
DN có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan của nước sở tại để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến NLĐ.
Nghĩa vụ này của DN sẽ đặt ra trong trường hợp NLĐ chết, bị tai nạn hoặc bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác[2].
Khi Luật số 69 có hiệu lực thi hành, có thể hiểu rằng DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với NLĐ khi chẳng may NLĐ gặp sự cố, tai nạn khi đang ở nước ngoài. Quan trọng hơn, DN phải thực hiện trách nhiệm đó theo sự chỉ đạo và yêu cầu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trong toàn bộ phạm vi mà NLĐ chịu thiệt hại. Vì vậy, DN không có cơ chế để từ chối trách nhiệm khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xét thấy rằng DN cần phải chịu trách nhiệm chi trả thay cho NLĐ. Các chi phí phát sinh khi có phát sinh sự cố sẽ bao gồm nhưng không giới hạn các chi phí chỗ ở của NLĐ phát sinh, các chi phí có liên quan đến tố tụng, chi phí khám chữa bệnh, chi phí sinh hoạt của NLĐ. Hiện chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật số 69 cho nên chưa rõ về giới hạn trách nhiệm và phạm vi mà DN phải tuân thủ theo chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Do đó, DN cần lên kế hoạch và dự toán một cách cụ thể các khoản rủi ro về tài chính trước khi quyết định đưa NLĐ đi công tác, làm việc, đào tạo tại nước ngoài.
Cấp chứng nhận khóa học “giáo dục định hướng”
Trước khi đưa NLĐ ra nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào, DN đều phải tổ chức một khóa học giáo dục định hướng cho NLĐ và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thực thi của quy định này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cho DN về phương thức tổ chức khóa học, nội dung chương trình, thời gian khóa học và quy định về việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành này.
Để tránh rủi ro cho DN có thể bị bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 20 đến 40 triệu đồng khi bị phát hiện[3], DN cần theo dõi và cập nhật các văn bản hướng dẫn thi hành Luật số 69 để tuân thủ đúng và đầy đủ nghĩa vụ của DN trong việc tổ chức khóa học giáo dục định hướng và cấp giấy chứng nhận cho NLĐ.
Phải ký phụ lục HĐLĐ
Khi đưa NLĐ đi nước ngoài để thực hiện các hợp đồng thầu đã ký kết với các đối tác, khách hàng ở nước ngoài hoặc để thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài của DN, DN phải thỏa thuận với NLĐ về việc đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc các bên sẽ ký phụ lục HĐLĐ. Nội dung của phụ lục HĐLĐphải bao gồm thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác dành cho NLĐ. Ngoài ra, DN cũng không được quyền sửa đổi thời hạn của HĐLĐ đã giao kết trước đó với NLĐ [4]. Do đó, khi ký phụ lục HĐLĐ, các bên cần quy định một cách cụ thể thời gian mà NLĐ sẽ đi làm việc ở nước ngoài và ghi vào phụ lục HĐLĐ và thời gian đi làm việc ở nước ngoài này phải nằm trong thời hạn có hiệu lực của HĐLĐ đã ký.
Cập nhật thông tin NLĐ xuất cảnh
Luật số 69 cũng bổ sung nghĩa vụ của DN là phải cập nhật thông tin về NLĐ xuất cảnh trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày NLĐ xuất cảnh. Nếu không cập nhật theo quy định mới này thì DN có thể bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng nếu bị phát hiện[5].
Các điểm mới về chế độ báo cáo của DN
Luật số 69 bãi bỏ chế độ báo cáo định kỳ hàng năm đối với hình thức DN đưa NLĐ đi nước ngoài để thực hiện hợp đồng thầu đã ký kết với các đối tác, khách hàng tại nước ngoài theo Luật số 72. Trong trường hợp trên, DN chỉ cần báo cáo sau khi DN đã hoàn thành hợp đồng trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, Luật số 69 còn bổ sung thêm nghĩa vụ của DN đó là phải cập nhật thông tin về NLĐ xuất cảnh trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày NLĐ xuất cảnh. DN cần chú ý cập nhật quy định mới này để tránh rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng nếu bị phát hiện[6].
Ngoài ra, Luật số 69 cũng đã cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ 10 ngày xuống còn 05 ngày làm việc. Các loại báo cáo được cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ gồm: (1) báo cáo đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của DN trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; (2) báo cáo đăng ký hợp đồng nhận NLĐ thực tập; và (3) báo cáo đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Không phải đóng bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân hai lần, đã có mẫu xác nhận ký quỹ dành cho Ngân hàng
Luật số 69 đã bổ sung quy định DN và NLĐ không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc/và thuế thu nhập cá nhân hai lần, bao gồm một lần ở Việt Nam và một lần nữa ở nước tiếp nhận NLĐ nếu Việt Nam và nước đó đã ký kết hiệp định về bảo hiểm xã hội và/hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Về nghĩa vụ ký quỹ, mức ký quỹ vẫn được giữ nguyên ở 10% của tiền vé máy bay một lượt hạng phổ thông tại thời điểm DN ký quỹ từ nước mà NLĐ đến làm việc về Việt Nam tính theo số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong hợp đồng nhận NLĐ thực tập đã đăng ký. Ngoài ra, DN cũng cần lưu ý là khi đi xác nhận việc DN ký quỹ tại ngân hàng, DN nên yêu cầu ngân hàng xác nhận ký quỹ theo Mẫu số 05 của Phụ lục II ban kèm theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP thay vì xác nhận theo mẫu riêng của từng ngân hàng như trước đó.
NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Luật số 69 đã bổ sung thêm quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐcủa NLĐ khi NLĐ bị DN ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng về việc NLĐ bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài[7]. Việc bổ sung này cũng phù hợp với quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 35 của Bộ Luật lao động 2019, theo đó, NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐmàkhông phải tuân thủ thời hạn báo trước trong trường hợp trên.
Tóm lại, Luật số 69 về cơ bản vẫn kế thừa các chế
định đã có từ Luật số 72 là cho phép DN được quyền đưa NLĐ của DN ra nước ngoài
để làm việc hoặc đào tạo kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, một số sửa đổi, bổ sung cũng
đã được luật hóa nhằm mục đích minh bạch các thủ tục hành chính mà DN cần phải
thực hiện cũng như đặt ra thêm một số nghĩa vụ của DN đối với NLĐ khi DN đưa NLĐ
đi công tác, làm việc, đào tạo tại nước ngoài. Thêm vào đó, để không rơi vào
tình thế bị động khi Luật số 69 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, DN cần
phải tính toán cẩn thận các chi phí rủi ro pháp lý và tài chính khi DN có nhu cầu
đưa NLĐ ra nước ngoài với các mục đích được nêu ở trên.
[1] Báo cáo số 43/BC-BLĐTBXH ngày 01/04/2020 về Tổng kết thi hành Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Bộ Lao Động – Thương Binh Và Xã Hội
[2] Khoản 9 Điều 32, Khoản 9 Điều 35, Điểm m Khoản 2, Điều 41 Luật số 69
[3] Khoản 2 Điều 44 Nghị định 28/2020/NĐ-CP
[4] Điều 22 Bộ Luật Lao Động 2019
[5] Điều 42 Nghị định 28/2020/NĐ-CP
[6] Điều 42 Nghị định 28/2020/NĐ-CP
[7] điểm đ, khoản 1, Điều 6 Luật số 69