Trả lời:
Đương sự giao nộp cho Tòa án có thẩm quyền các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp[1]. Theo đó, có 03 cách để thực hiện dịch thuật công chứngnhư sau:
Cách 1: Chứng thực bản dịch của doanh nghiệp có chức năng cung cấp dịch vụ dịch thuật. Xin lưu ý rằng doanh nghiệp có chức năng cung cấp dịch vụ dịch thuật sẽ không có thẩm quyền công chứng hay chứng thực theo quy định của pháp luật[2]. Tuy nhiên, trên thực tế, việc công chứng, chứng thực chỉ được thực hiện đối với các tài liệu được xác lập một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật, cho nên, đối với các tài liệu như email, tin nhắn điện thoại,… thường sẽ không thể dịch công chứng, chứng thực tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc Phòng tư pháp quận, huyện. Theo đó, các tài liệu này chỉ có thể được dịch bởi các công ty có chức năng cung cấp dịch vụ dịch thuật hoặc hội dịch thuật để nộp cho Tòa án có thẩm quyền làm cơ sở để xem xét và đánh giá trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
Cách 2: Công chứng bản dịch của công chứng viên – thuộc Văn phòng công chứng tư nhân. Theo đó, công chứng viên sẽ tiếp nhận bản chính của giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của Văn phòng công chứng tư nhân thực hiện[3]. Công chứng viên sẽ chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái với đạo đức xã hội; Bản dịch có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy, chứng thực bản dịch của công chứng viên – thuộc Văn phòng công chứng tư nhân là hợp pháp và có thể nộp cho Tòa án có thẩm quyền để làm chứng cứ chứng minh.
Cách 3:
Chứng thực bản dịch của Phòng Tư Pháp thuộc UBND cấp Quận, Huyện (công chứng Nhà nước). Theo đó, các Phòng Tư pháp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố
thuộc Tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng
thực chữ ký của người dịch (cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp) trong
các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài[4]. Do đó, bản dịch được chứng thực tại Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp Quận, Huyện (công chứng Nhà nước) cũng sẽ được xem là hợp lệ và có thể nộp cho Tòa án có thẩm quyền để làm chứng cứ chứng minh.
[1] Điều 96.3 Bộ luật Tố tụng Dân sự
[2] Luật Công chứng và Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/02/2015
[3] Điều 61 Luật Công chứng
[4] Điều 5.1 (c) Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/02/2015