Câu hỏi 83. Các khoản tiền hỗ trợ đời sống và tiền ăn có được xem như là phụ cấp lương bù đắp yếu tố về điều kiện sinh hoạt của NLĐ không?

Trả lời:

1. Theo quy định của BLLĐ, phụ cấp lương được hiểu như sau[1]:

  • Là các khoản tiền dùng để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. Trong đó bao gồm:
  • – Bù đắp yếu tố về điều kiện lao động: được áp dụng đối với NLĐ nào làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm;
  • – Bù đắp yếu tố về tính chất phức tạp công việc: được áp dụng đối với NLĐ nào làm các công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao, có ảnh hưởng đến các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của NLĐ;
  • – Bù đắp yếu tố về điều kiện sinh hoạt: được áp dụng đối với NLĐ nào làm các công việc ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, các công việc mà NLĐ phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều kiện sinh hoạt của NLĐ không thuận lợi khi thực hiện công việc; và
  • – Bù đắp yếu tố để thu hút lao động: được áp dụng để khuyến khích NLĐ đến làm việc ở vùng kinh tế mới, thị trường mới mở; nghề, công việc kém hấp dẫn, cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế; khuyến khích NLĐ làm việc có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn hoặc đáp ứng tiến độ công việc được giao.
  • Các khoản tiền gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ.

2. Theo các quy định được nêu ở trên, các khoản tiền mà NSDLĐ chi trả hằng tháng cho NLĐ ngoài tiền lương, cụ thể như: (i) Đối với NLĐ làm việc tại các nhà máy xa trung tâm: một khoản tiền để hỗ trợ đời sống (“Tiền Hỗ Trợ Đời Sống”), một khoản tiền hỗ trợ các bữa ăn (cụ thể là NSDLĐ thuê nhà thầu vào nấu ăn tại căn tin của các nhà máy) (“Tiền Ăn”); (ii) Đối với NLĐ làm việc tại văn phòng trung tâm thành phố: một khoản tiền để NLĐ tự lo bữa ăn cho mình (cũng được gọi là “Tiền Ăn”). Các khoản tiền này sẽ được hiểu như sau:

  • Tiền Hỗ Trợ Đời Sống có thể được xem như là một khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện sinh hoạt nếu khoản tiền này được chi trả cho NLĐ nhằm bù đắp cho các yếu tố về điều kiện sinh hoạt vì nơi làm việc của NLĐ là các nhà máy nằm ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, hoặc vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở… như đã nêu ở trên.
  • Tiền Ăn có thể được hiểu như sau:
  • – Nếu NLĐ làm việc theo ca và được NSDLĐ chi trả một khoản tiền ăn vào giữa ca thì Tiền Ăn sẽ được hiểu là Tiền Ăn Giữa Ca và có thể được xem là một khoản phúc lợi mà NSDLĐ dành cho NLĐ[2]. Trong đó, ca làm việc được hiểu là khoảng thời gian mà NLĐ làm việc liên tục từ 06 giờ/ngày trở lên[3] . Ngoài ra, Tiền Ăn trong trường hợp này cũng sẽ không được dùng làm căn cứ để tính tiền lương tháng làm cơ sở để đóng BHXH[4];
  • – Nếu NLĐ không làm việc theo ca mà chỉ làm việc theo thời giờ làm việc hành chính bình thường và được NSDLĐ chi trả một khoản tiền ăn trong tất cả các ngày làm việc thì Tiền Ăn đó có thể được xem như là một Khoản Bổ Sung mà có thể xác định được mức tiền cụ thể và được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương của NLĐ[5]. Trong đó, thời giờ làm việc bình thường theo quy định của BLLĐ tức là không làm việc liên tục 08 giờ/ngày trong điều kiện bình thường; và tuân thủ thời giờ làm việc theo quy định của BLLĐ là không quá 08 giờ/ngày và 48 giờ/tuần (nếu doanh nghiệp có quy định thời giờ làm việc theo ngày) hoặc không quá 10 giờ/ngày và 48 giờ/tuần (nếu doanh nghiệp có quy định thời giờ làm việc theo tuần). Tiền Ăn trong trường hợp này sẽ được dùng làm căn cứ để tính tiền lương tháng đóng BHXH[6].

Lưu ý rằng, phụ cấp lương, các khoản bổ sung và các khoản chế độ, phúc lợi dành cho NLĐ phải được ghi rõ trong HĐLĐ[7].


[1] Điều 3.5 (b) Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020 và Điều 3.1 (b) Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 23/06/2015

[2] Điều 3.5 (c2) Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020

[3] Điều 64.4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020

[4] Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2015 và Điều 30.3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 29/12/2015

[5] Điều 3.5 (c1) Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020

[6] Điều 17.2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2015 và Điều 30.2 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 29/12/2015

[7] Điều 3.5 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020