Trả lời:
BLLĐ không có quy định nào cho phép NSDLĐ được quyền dồn 04 ngày nghỉ hằng tuần của một tháng nào đó mà NLĐ chưa nghỉ được (vì lý do công việc nên NSDLĐ chưa có thể bố trí cho NLĐ nghỉ được) để cộng dồn sang cho tháng tiếp theo. Mặt khác, mục đích của những ngày nghỉ hằng tuần theo quy định của BLLĐ là nhằm giúp cho NLĐ có thời gian tái tạo lại sức lao động đảm bảo cho công việc được thực hiện tốt nhất có thể. Như vậy, về mặt nguyên tắc, NSDLĐ phải đảm bảo ngày nghỉ hằng tuần cho NLĐ ít nhất 24 giờ /01 tuần theo quy định tại HĐLĐ hoặc ít nhất 04 ngày/01 tháng nếu vì chu kỳ lao động mà NLĐ không được nghỉ hằng tuần nhằm đảm bảo phục hồi tốt nhất sức khỏe cho NLĐ.
Việc NSDLĐ dồn 04 ngày nghỉ hàng tuần của một tháng bất kỳ nào đó mà NLĐ chưa được nghỉ sang tháng tiếp theo có thể được xem là không phù hợp với tinh thần của BLLĐ và có thể phải chịu rủi ro là bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy thuộc vào số lượng NLĐ bị vi phạm theo quy định tại Điều 5.1 và 17.2 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Nếu vì chu kỳ sản xuất mà NSDLĐ không thể bố trí cho NLĐ được nghỉ hằng tuần theo nguyên tắc nêu trên thì NSDLĐ phải đảm bảo trả đủ tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ đối với những thời giờ làm thêm mà NLĐ đã làm trong các ngày nghỉ hằng tuần đó (cụ thể là ít nhất bằng 200% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm) bởi lẽ ngững ngày này được xem là khoảng thời gian NLĐ làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường như được quy định tại Điều 107 BLLĐ. Lưu ý thêm rằng, khi yêu cầu NLĐ làm thêm giờ, NSDLĐ phải được sự đồng ý của NLĐ và đảm bảo số giờ làm thêm của NLĐ không được vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường/01 ngày, nếu áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ/01 ngày, không quá 40 giờ/01 tháng và không quá 200 giờ/01 năm (trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/01 năm).
Nếu NSDLĐ không tuân thủ nguyên tắc nêu trên mà chỉ thanh toán cho NLĐ theo mức tiền lương của ngày làm việc bình thường thì NSDLĐ có thể bị xem là vi phạm quy định của BLLĐ và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm không trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ được quy định tại Điều 5.1 và 16.2 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt từ 10.000.000 đồng lên đến 100.000.000 đồng, tùy thuộc vào số lượng NLĐ bị vi phạm.