Trả lời:
Chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu[1]. Khi ra quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, Tòa án có thẩm quyền phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên bố HĐLĐ vô hiệu trong tuyên bố của mình[2]. Theo đó, khi HĐLĐ vô hiệu do ký sai thẩm quyền thì các bên sẽ tiến hành ký lại HĐLĐ [3]. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu toàn bộ do người ký kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền, cơ quan quản lý lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính có trách nhiệm hướng dẫn các bên ký lại HĐLĐ. Như vậy, việc Tòa án có thẩm quyền ban hành quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu và cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền hướng dẫn các bên ký lại HĐLĐ là phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Tòa án có thẩm quyền ban hành quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu mà không có bên nào kháng cáo thì quyết định đó sẽ có hiệu lực pháp luật và có giá trị thi hành[4].
Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật
phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan,
tổ chức, cá nhân nào có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết
định của Tòa án [5]. Do đó, nếu một trong các bên không chấp hành quyết định
mà Tòa án đã ban hành thì bên còn lại có quyền nộp đơn yêu cầu đến cơ quan thi
hành án dân sự có thẩm quyền để yêu cầu hỗ trợ thi hành quyết định của Tòa án[6]. Tuy nhiên, giả sử quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng
các bên cùng đồng thuận không muốn ký lại HĐLĐ, thì NSDLĐ và NLĐ vẫn có thể thỏa
thuận ghi nhận sự việc này bằng văn bản và thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền[7]. Khi đó, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ
thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án Dân sự.
[1] Điều 50 BLLĐ
[2] Điều 402.5 Bộ luật Tố tụng Dân sự
[3] Điều 51.2 BLLĐ
[4] Điều 372 và Điều 482 Bộ luật Tố tụng Dân sự
[5] Điều 19 Bộ luật Tố tụng Dân sự
[6] Điều 7 Luật Thi hành án Dân sự
[7] Điều 6 Luật Thi hành án Dân sự