Trả lời:
1. Trong một vụ án về sa thải trái pháp luật thì bên nào sẽ có nghĩa vụ chứng minh?
Sa thải được xem là một trong các hình thức xử lý KLLĐ được BLLĐ cho phép NSDLĐ áp dụng[1]. NLĐ nào khởi kiện vụ án NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ thuộc trường hợp NSDLĐ không được xử lý KLLĐ theo quy định của BLLĐ thì nghĩa vụ chứng minh sẽ lại thuộc về NSDLĐ[2]. Do đó, trong vụ án về sa thải NLĐ trái pháp luật, mặc dù nguyên đơn là NLĐ nhưng nghĩa vụ chứng minh sẽ không thuộc về NLĐ mà lại thuộc về NSDLĐ. Lý do của việc này là vì nhà làm luật cho rằng NLĐ là bên yếu thế trong mối quan hệ lao động với doanh nghiệp, không có điều kiện để có được các thông tin bằng chứng của doanh nghiệp có liên quan đến vụ kiện của họ cho nên họ sẽ được pháp luật bảo vệ thông qua việc yêu cầu NSDLĐ phải có nghĩa vụ chứng minh.
2. NLĐ thông qua Tòa án có thẩm quyền yêu cầu NSDLĐ cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án mà NSDLĐ đang nắm giữ thì NSDLĐ có quyền không cung cấp với lý do bảo mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp không? Nếu không cung cấp theo yêu cầu thì có bị Tòa án áp dụng chế tài không và nếu có thì đó là các biện pháp chế tài gì?
Căn cứ Điều 106.3 Bộ luật Tố tụng Dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án. Hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu đó phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nếu không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự[3]. Cần lưu ý rằng việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về khái niệm “lý do chính đáng” nếu đương sự không thể cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan. Vì thế, cũng chưa có một cơ sở pháp lý rõ ràng để kết luận liệu rằng lý do bảo mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp có được xem là “lý do chính đáng” để doanh nghiệp được phép không cung cấp cho Tòa án. Mặt khác, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng được yêu cầu có trách nhiệm giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh của đương sự, không công khai nội dung tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh theo yêu cầu chính đáng của đương sự[4]. Qua đó, có thể thấy rằng, quá trình xét xử tại Tòa án vốn đã có cơ chế hẳn hỏi về bảo mật thông tin. Vì vậy, lý do bảo mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp có thể sẽ không được Tòa án xem như là “lý do chính đáng” để doanh nghiệp có thể từ chối cung cấp các tài liệu, chứng cứ theo quyết định của Tòa án như được quy định tại Điều 106.3 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi cản trở hoạt động tư pháp.
Cụ thể, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 15.000.000 đồng, và Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến mức tối đa trong lĩnh vực lao động là 150.000.000 đồng[5]. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội từ chối cung cấp thông tin, tài liệu mà không có lý do chính đáng sẽ không đặt ra đối với pháp nhân thương mại ví dụ như doanh nghiệp theo quy định tại Điều 76 và Điều 383 của Bộ luật Hình sự.
3. Nếu các thông tin, tài liệu do doanh nghiệp cung cấp bị rò rỉ ra ngoài đến các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hay để cho bên thứ ba biết thì bên nào sẽ chịu trách nhiệm cho việc rò rỉ này?
Như đã nêu ở trên, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải bảo đảm giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh của đương sự theo yêu cầu chính đáng của đương sự[6]. Do đó, nếu việc cung cấp các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án có thẩm quyền làm cho các thông tin, tài liệu của doanh nghiệp bị rò rỉ ra ngoài trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hay các bên thứ ba được biết sẽ dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp, mặc dù doanh nghiệp trước đó đã có đề nghị Tòa án giữ bí mật thông tin cun cấp, thì trong trường hợp đó Nhà nước sẽ có trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp. Người thi hành công vụ nào gây thiệt hại sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã phải chi ra để bồi thường cho doanh nghiệp bị thiệt hại[7]. Cơ quan giải quyết bồi thường sẽ cũng chính là Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết vụ án[8].
Cần lưu ý rằng Nhà nước chỉ có trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp bị thiệt hại khi có đầy đủ các căn cứ sau đây[9]:
- Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng theo quy định của pháp luật;
- Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; và
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
[1] Điều 124.3 BLLĐ
[2] Điều 91.1 (b) Bộ luật Tố tụng Dân sự
[3] Điều 489.3 Bộ luật Tố tụng Dân sự
[4] Điều 13.3 và Điều 109.2 Bộ luật Tố tụng Dân sự
[5] Điều 3.1 (e) và 48 Luật xử lý vi phạm hành chính
[6] Điều 13.3 Bộ luật Tố tụng Dân sự
[7] Điều 14.2 (c) Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
[8] Điều 3.7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
[9] Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước