Câu hỏi 103. Nếu NLĐ đã sử dụng hết hạn mức 30 ngày được hưởng chế độ ốm đau theo quy định mà vẫn tiếp tục xin nghỉ bệnh và có cung cấp đầy đủ giấy nghỉ bệnh hưởng BHXH (bệnh của NLĐ không thuộc danh mục bệnh dài ngày) hợp lệ theo quy định của pháp luật thì NSDLĐ có quyền từ chối duyệt cho phép NLĐ nghỉ bệnh không?

Trả lời:

NLĐ nào làm việc trong điều kiện bình thường, hội đủ điều kiện được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của luật lao động[1] và bệnh của NLĐ không thuộc danh mục các loại bệnh cần phải chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì thời gian tối đa trong một năm mà NLĐ được hưởng chế độ ốm đau là:

  • 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
  • 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; hoặc
  • 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

Số ngày nghỉ được hưởng chế độ ốm đau trong một năm được tính theo ngày làm việc không kể các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của BLLĐ. Thời gian đó được tính kể từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm Dương lịch, và không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH của NLĐ là khi nào.

Mặt khác, khi NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong 01 tháng thì NSDLĐ và NLĐ không phải đóng BHXH của tháng đó và thời gian này sẽ không được tính để hưởng BHXH[2].

NSDLĐ có quyền không giải quyết chế độ ốm đau cho NLĐ đối với các trường hợp sau đây[3]:

  • NLĐ bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy;
  • NLĐ nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; và
  • NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải do tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của BLLĐ; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH.

Để được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật BHXH, NLĐ cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ chứng minh cho việc khám, chữa bệnh, điều trị nội trú, ngoại trú của NLĐ[4]… Nếu hội đủ điều kiện được hưởng chế độ ốm đau và đáp ứng đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, cơ quan BHXH có thẩm quyền sẽ giải quyết và chi trả trợ cấp ốm đau cho NLĐ theo quy định.

Nếu NLĐ đã sử dụng hết hạn mức 30 ngày nghỉ bệnh nhưng vẫn tiếp tục xin nghỉ bệnh và vẫn có thể cung cấp đầy đủ giấy nghỉ bệnh hưởng BHXH hợp lệ thì BLLĐ không có quy định nào cho phép NSDLĐ được quyền từ chối không cho NLĐ tiếp tục được nghỉ làm việc. Tuy nhiên, có một số điều luật trong BLLĐ có liên quan như sau: (i) Điều 111 BLLĐ quy định về quyền nghỉ hàng năm có hưởng lương của NLĐ; (ii) Điều 30.1 (h) BLLĐ cho phép NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận về việc tạm hoãn việc thực hiện HĐLĐ (có thể là không hưởng lương); hoặc (iii) Điều 115.3 BLLĐ cho phép NLĐ thỏa thuận với NSDLĐ về việc nghỉ không hưởng lương.

Theo các quy định nêu trên, nếu vẫn còn số ngày nghỉ hàng năm có hưởng lương chưa sử dụng và NLĐ xin nghỉ hằng năm theo Điều 111 của BLLĐ và NQLĐ của doanh nghiệp (nếu có), thì NSDLĐ phải phê duyệt đơn xin nghỉ hằng năm của NLĐ (nghỉ có hưởng lương) để NLĐ có thể tiếp tục nghỉ làm việc để điều trị bệnh. Hoặc nói theo một cách khác, NLĐ có thể xin và thỏa thuận với NSDLĐ về việc: (i) NLĐ nghỉ không lương; hoặc (ii) NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, và NSDLĐ, không còn cách nào khác, là phải đồng ý để cho NLĐ được nghỉ việc để tiếp tục điều trị bệnh.

Ngoài ra, NSDLĐ cũng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ nếu NLĐ bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động của NLĐ chưa hồi phục[5].


[1] Điều 26 Luật BHXH và Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 29/12/2015

[2] Điều 6.4 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 29/12/2015

[3] Điều 3.2 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 29/12/2015

[4] Điều 4 của Quy trình Giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN được ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019

[5] Điều 36.1(b) BLLĐ