Trả lời:
Theo quy định của pháp luật lao động, thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý cộng dồn không quá 01 tháng sẽ được xem là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm[1]. Theo đó, thời gian này được hiểu là thời gian nghỉ việc không hưởng lương mà người sử dụng lao động đã đồng ý cho người lao động nghỉ trước đó, chứ không phải là sự đồng ý của người sử dụng lao động về việc cộng thời gian này vào thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động. Do đó, khi tính số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động, người sử dụng lao động phải cộng thời gian nghỉ việc không hưởng lương nói trên vào thời gian làm việc thực tế của người lao động để làm cơ sở tính ngày nghỉ hằng năm.
Ngoài ra, cũng lưu ý thêm rằng cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị[2].
Như vậy, trong trường hợp người lao động thôi việc, ngoài các khoản phải chi trả khác theo pháp luật lao động, người sử dụng lao động phải chi trả tiền lương cho những ngày nghỉ hằng năm mà người lao động chưa nghỉ[3]. Trong đó, ngày nghỉ hằng năm được tính trên thời gian làm việc thực tế cộng với thời gian nghỉ việc không hưởng lương mà người lao động đã thỏa thuận với người sử dụng lao động, cộng dồn không quá 01 tháng.
[1] Điều 6.4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013
[2] Điều 7 Nghị định 45/2013/NĐ- CP ngày 10/5/2013
[3] Điều 114.1 Bộ luật Lao động