Trả lời:
Theo quy định tại Điều 38.1 (a) Bộ luật Lao động, việc người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc được xem là một trong những lý do để người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động[1]. Trong khi đó, việc kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức hay sa thải người lao động là các hình thức xử lý kỷ luật lao động được quy định trong Bộ luật Lao động. Pháp luật lao động hiện hành không có bất kỳ quy định nào cho phép người sử dụng lao động được áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động thay cho việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do thường xuyên không hoàn thành công việc. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người sử dụng lao động vẫn còn nhầm lẫn việc người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc là một trong những hành vi vi phạm nôi quy lao động cần phải xử lý kỷ luật lao động. người sử dụng lao động cần phân biệt rằng việc thường xuyên không hoàn thành công việc phụ thuộc nhiều vào năng lực, khả năng của người lao động nhưng đó vẫn là những người lao động tôn trọng và tuân thủ nội quy lao động của doanh nghiệp.
Nói tóm lại, khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc, người sử dụng lao động sẽ xem xét có đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động hay không chứ không được áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động dù cho đó là các hình thức xử lý kỷ luật lao động ở mức độ nhẹ.
[1] Điều 38.1 (a) Bộ luật Lao động