Trả lời:
Theo quy định của BLLĐ, NSDLĐ chỉ được quyền khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của doanh nghiệp[1]. Ngoài ra, BLLĐ không có quy định thêm các trường hợp khác mà NSDLĐ được quyền khấu trừ tiền lương của NLĐ. Do đó, khi NLĐ mua cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành, NSDLĐ sẽ không được quyền khấu trừ tiền mua cổ phiếu vào tiền lương của NLĐ.
Nếu NSDLĐ là văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và NLĐ muốn mua cổ phiếu do công ty mẹ ở nước ngoài của văn phòng đại diện phát hành, thì NLĐ cần lưu ý thêm rằng văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép[2]. Như vậy, văn phòng đại diện chỉ được phép thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và không được tạo ra doanh thu. Do đó, không có cơ sở pháp lý cho phép văn phòng đại diện nhận tiền thanh toán mua cổ phiếu của công ty mẹ dù dưới hình thức thu hộ tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Bên cạnh đó, việc NLĐ mua cổ phiếu
do công ty mẹ ở nước ngoài của văn phòng đại diện phát hành được xem là hình thức
đầu tư gián tiếp ra nước ngoài[3]. Theo quy
định về đầu tư ra nước ngoài và ngoại hối, nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch
Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham
gia chương trình thưởng cổ phiếu
(không cần trả tiền mua) phát hành ở nước ngoài[4]. Tuy
nhiên, cũng không đơn giản để tổ chức phát hành cổ phiếu thưởng cho NLĐ, Điều 8
Thông tư
10/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 29/06/2016 yêu cầu chương
trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài có đối tượng tham gia là NLĐ có quốc tịch
Việt Nam chỉ được thực hiện sau khi được ngân hàng Nhà nước xác nhận việc đăng ký. Qua đó có thể thấy rằng việc thực
hiện đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức sở hữu cổ phiếu do công ty mẹ tại nước
ngoài phát hành là khá phức tạp, đòi hỏi phải tuân thủ khá nhiều quy trình và
thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam như đã nói ở trên bên cạnh việc
tuân thủ pháp luật của nước nơi công ty mẹ ở nước ngoài đặt trụ sở.
[1] Điều 102 BLLĐ
[2] Điều 3.6 Luật Thương mại
[3] Điều 52.1 (d) Luật Đầu tư
[4] Điều 2.1 (b) và Điều 5.1 Nghị định 135/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2015