Câu hỏi: Người sử dụng lao động có quyền hoãn việc thanh toán tiền lương lần đầu do người lao động chưa cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu của người sử dụng lao độngkhông?

Trả lời:

Điều 19.2 Bộ luật Lao động quy định, người lao động phải cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khỏe và các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động (“Thông Tin Cá Nhân”). Như vậy, việc thu thập các Thông Tin Cá Nhân theo quy định của pháp luật nêu trên chỉ nhằm mục đích giao kết hợp đồng lao động.

Theo Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hiện hành về nghĩa vụ trả lương của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn cho người lao động[1]. Việc chậm trả lương chỉ được xem xét trong một số trường hợp bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng như sau[2]: do thiên tai; hỏa hoạn; hoặc lý do bất khả kháng khác.

Tuy nhiên, việc chậm trả lương trong các trường hợp nói trên cũng không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền: (i) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm; hoặc (ii) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.

Ngoài ra, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận lựa chọn một trong hai hình thức trả lương như sau: (i) thanh toán bằng tiền mặt; hoặc (ii) chuyển khoản thông qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng[3]. Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động về việc thanh toán tiền lương thông qua chuyển khoản thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động cung cấp thêm thông tin về tài khoản cá nhân để thực hiện việc thanh toán.

Theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, người sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương của người lao động để nộp cho cơ quan thuế có thẩm quyền trước khi thanh toán tiền lương cho người lao động[4]. Do đó, để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, về mặt nguyên tắc người lao động phải đăng ký, cung cấp thông tin người phụ thuộc và mã số thuế cá nhân để được giảm trừ thuế theo quy định của Thông tư 111/2013/TT-BTC nếu có người phụ thuộc. Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động không cung cấp đầy đủ thông tin người phụ thuộc để được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tại thời điểm thanh toán tiền lương, thì người sử dụng lao động vẫn phải khấu trừ một khoản thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương của người lao động mà không tính giảm trừ người phụ thuộc để có thể thanh toán tiền lương cho người lao động và nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đúng thỏa thuận và thời hạn quy định. Pháp luật về thuế thu nhập cá nhân chưa có quy định cụ thể nào cho phép việc hoãn khấu trừ thuế và thanh toán tiền lương vì lý do người lao động không cung cấp đầy đủ thông tin về người phụ thuộc và mã số thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Như vậy, ngoại trừ lý do người lao động chưa cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để người sử dụng lao động thanh toán tiền lương, người sử dụng lao động không được quyền trì hoãn việc thanh toán tiền lương cho người lao động vì lý do người lao động chưa cung cấp đầy đủ Thông Tin Cá Nhân.

Do đó, nếu cơ quan quản lý lao động địa phương phát hiện được bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc thanh toán tiền lương cho người lao động, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính với các mức phạt như sau[5]:

  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 01 đến 10 người lao động;
  • Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 11 đến 50 người lao động;
  • Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 51 đến 100 người lao động;
  • Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng với vi phạm từ 101 đến 300 người lao động; hoặc
  • Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài mức phạt nêu trên, người sử dụng lao động còn phải trả đủ tiền lương cho người lao động cộng với một khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.


[1] Điều 96 Bộ luật Lao động và Điều 24.1 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015

[2] Điều 24.2 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015

[3] Điều 94.2 Bộ luật Lao động

[4] Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013

[5] Điều 13.3 và 13.7 Nghị định 95/2013/NĐCP ngày 22/08 /2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015