Trả lời:
Theo quy định của BLLĐ, mức lương thấp nhất của các công việc hoặc chức danh đòi hỏi NLĐ qua đào tạo, học nghề (kể cả NLĐ do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định[1]. Trong đó, NLĐ đã qua học nghề, tập nghề bao gồm[2]:
- Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định 90-CP của Chính phủ ngày 24/11/1993 quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục;
- Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;
- Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm; người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp;
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài; và
- Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
Như vậy, NSDLĐ và NLĐ phải giao kết hợp đồng đào tạo nghề[3]. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc NSDLĐ hướng dẫn công việc cho NLĐ trong giai đoạn thử việc là hoạt động mang tính chất chỉ dẫn cụ thể để NLĐ có thể làm quen với công việc, thực hiện đúng các quy trình và đặc điểm của công việc theo yêu cầu của NSDLĐ nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và các nguyên tắc làm việc của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, kể cả sau giai đoạn thử việc, NSDLĐ vẫn phải tiếp tục hướng dẫn NLĐ làm việc khi cần thiết. Vì vậy, thử việc sẽ không được xem là hình thức doanh nghiệp đào tạo nghề cho NLĐ theo quy định của BLLĐ.
Mặt khác, BLLĐ cũngchưa có quy định cụ thể nào liệt kê những ngành, nghề và công việc đòi hỏi phải sử dụng NLĐ đã qua đào tạo nghề. Do đó, về mặt nguyên tắc, khi tuyển dụng những NLĐ nào đã qua đào tạo nghề, NSDLĐ luôn phải đảm bảo mức lương thấp nhất cho NLĐ cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, bất kể NLĐ đó có được tuyển dụng vào làm việc ở bất kỳ vị trí công việc nào trong doanh nghiệp hay không.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc
tuyển dụng một NLĐ đã qua đào tạo nghề để làm các công việc đơn giản, không yêu
cầu trình độ sẽ hoàn toàn không hợp lý nếu xét ở góc độ kinh tế bởi lẽ, các chi
phí dành cho việc sử dụng NLĐ đã qua đào tạo nghề bao gồm tiền lương, tiền công
sẽ cao hơn đáng kể so với NLĐ chưa qua đào tạo nghề. Vì vậy, trước khi tuyển dụng
NLĐ vào làm việc cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp thường đã đánh giá và xác định
được các vị trí, công việc dự kiến tuyển dụng có cần NLĐ đã qua đào tạo nghề
hay không. Theo đó, các thông tin tuyển dụng tại các doanh nghiệp thường nêu rõ
yêu cầu về trình độ của NLĐ (trung cấp, cao đẳng hoặc đại học) như là một điều
kiện bắt buộc khi ứng tuyển. Nếu cần sử dụng NLĐ đã qua đào tạo nghề để làm việc
tại các vị trí, công việc tuyển dụng, NSDLĐ sẽ phải trả cho NLĐ mức lương thấp
nhất phải cao hơn 7% so
với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
[1] Điều 5.1 Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2019
[2] Điều 5.2 Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2019
[3] Điều 61.3 BLLĐ